Thành lập cách đây hơn 15 năm, ngân hàng gien (gene) Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hiện lưu giữ hơn 500 giống cây trồng, dược liệu, vi sinh vật… Trong ngân hàng gien có nhiều gien quý hiếm phục vụ nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng. Nguồn gien này do hơn 30 kỹ sư nông nghiệp Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, lai tạo cho ra các giống thế hệ sau năng suất cao hơn trung bình 15-20% so với thị trường.
Nguồn gien được bảo tồn trong các phòng nuôi cấy mô và nhà màng với tổng diện tích khoảng 2ha. Ông Hoàng Đắc Hiệt, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các giống sau thời gian nuôi cấy ở phòng nuôi cấy mô sẽ được đưa xuống trồng ở vườn thực nghiệm. Việc lưu trữ nguồn gien với số lượng nhiều sẽ tạo ra số lượng giống khởi đầu lớn, giúp lai tạo giống mới đa dạng hơn.
Theo Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã ưu tiên đầu tư ngân sách để nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp điều kiện thành phố và tỉnh, thành phố lân cận. Ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống như tạo giống ưu thế lai F1, chiếu xạ gây đột biến, công nghệ chuyển gien, công nghệ chỉnh sửa gien, kỹ thuật chỉ thị phân tử để chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ gieo ươm cây, con được ứng dụng hiệu quả để nhân các giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ sản xuất cũng được triển khai mạnh mẽ… Những cách làm này đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với việc sưu tập, nhập các giống hoa, cây kiểng, rau phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen và chọn, tạo giống mới, thành phố hiện có bộ sưu tập nguồn gien các giống lan với hơn 420 giống các loại, hơn 200 giống kiểng lá, 249 giống hoa nền, 167 giống rau. Các giống này được lưu giữ tại Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) và Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố đã nghiên cứu thành công hơn 20 quy trình nhân giống in vitro (nhân giống trong ống nghiệm) các loại hoa lan, hoa kiểng, trong đó có bốn tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; ứng dụng công nghệ chuyển gien, công nghệ chỉnh sửa gien (gene editing) để lai tạo các giống hoa mới như giống lan, dưa leo kháng vi-rút, công nghệ nuôi cấy túi phấn, công nghệ chiếu xạ gây đột biến, kỹ thuật chỉ thị phân tử để tạo các dòng thuần, dòng đột biến giống rau, hoa.
Song song với nhân tạo giống mới, ngành nông nghiệp thành phố đẩy mạnh chuyển giao giống nông nghiệp phục vụ vào sản xuất nông nghiệp, đã tổ chức đánh giá tính thích nghi 426 giống cây trồng mới và đã chuyển giao cho nông dân, hợp tác xã hơn 280 giống mới. Những giống mới đưa vào sản xuất có nhiều đặc tính tiến bộ hơn so các giống cũ, tăng năng suất, chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Sở chú trọng nghiên cứu, bảo tồn, phát triển nguồn gien, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao.
Ngành nông nghiệp thành phố cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực giống cây, giống con và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân, hợp tác xã doanh nghiệp ở thành phố và các địa phương lân cận…