Sẵn sàng ứng phó thách thức

Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đối diện với nhiều khó khăn trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động khó lường của giá dầu thế giới khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhu cầu thị trường sụt giảm,... Với sự chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp cấp bách, PVN đã vượt qua khó khăn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong thời gian tới. 

Người lao động ngành dầu khí bảo dưỡng giàn khoan trên biển.
Người lao động ngành dầu khí bảo dưỡng giàn khoan trên biển.

Hầu hết chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của PVN năm 2021 đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhiều chỉ tiêu sản xuất quan trọng đã về đích sớm từ 14 đến 42 ngày. Để đạt thành quả nêu trên, Tập đoàn xác định và bám sát mục tiêu quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Phục hồi tăng trưởng

Số liệu thống kê của PVN cho thấy, tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn trong năm qua đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch; sản xuất phân bón hoàn thành trước 14 ngày, cả năm đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286 nghìn tấn, tăng 6% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, PVN đã cung ứng kịp thời đầy đủ khí tự nhiên và điện cho thị trường năng lượng. Tổng doanh thu hoàn thành trước hai tháng, đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch; nộp ngân sách đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch, tăng 36% so với năm 2020.

Công tác xử lý các dự án tồn tại khó khăn đã có những chuyển biến lớn khi bốn trong năm dự án đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các dự án khó khăn, yếu kém ngành công thương gồm ba dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước và Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) đã vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi chất lượng sản phẩm tốt, doanh thu vượt kế hoạch.

Dự án còn lại là Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) có đơn hàng ổn định, chủ yếu với khách hàng ngoài ngành dầu khí, doanh thu vượt 4% kế hoạch. Ngoài ra, Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PETROCONs) sau hàng chục năm, lần đầu có lãi; dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau nhiều năm dừng thi công, đã hồi sinh và chạy thử nhiều hạng mục. Dự kiến, ngày 23/2 tới sẽ đốt lửa bằng dầu lần đầu Tổ máy số 1, phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong năm nay. Tập đoàn cũng đã đưa vào vận hành dự án Sư Tử Trắng pha 2A, các giàn BK-18A và BK-19 vận hành khai thác vượt tiến độ,...

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, hơn hai năm qua là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của PVN, dưới “tác động kép” của đại dịch Covid-19 và giá dầu diễn biến bất thường (có thời điểm giá dầu xuống âm 37 USD/thùng). Trong bối cảnh các tập đoàn dầu mỏ lớn trên thế giới như Shell, BP, Chevron,... đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD, thậm chí nhiều công ty phá sản, PVN lại đạt được những kết quả rất tích cực.

Trong đó, đã đưa công tác quản trị chuyển biến theo hướng hiện đại, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực mang tính tích hợp cao với mục tiêu bảo đảm hệ thống vận hành doanh nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện từ khâu hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, hệ thống tài chính đến quản trị nhân sự, nguồn lực, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường, hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động dự báo và thích ứng linh hoạt để sản xuất, kinh doanh an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả.

Sẵn sàng ứng phó thách thức -0
Giàn trung tâm xử lý Sao Vàng 

Chủ động các giải pháp

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, khủng hoảng năng lượng tại một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ,... cùng với những bất ổn về địa chính trị dẫn tới thị trường dầu mỏ thế giới còn nhiều diễn biến khó lường. Mặt khác, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt sẽ là những rào cản cho quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới.

Do đó, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp vẫn triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” khi vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. PVN cùng các đơn vị thường xuyên cập nhật đánh giá tình hình, sẵn sàng thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh, từ đó có giải pháp khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, Tập đoàn đã và đang tập trung triển khai bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Rà soát chiến lược và củng cố hệ thống quản trị; quản trị nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ; quản trị tài chính và đầu tư; quản trị sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường; nâng cao việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ sinh thái quản trị,... Bên cạnh đó, PVN cũng nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh từ xa, đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm an toàn sức khỏe, việc làm cho người lao động.

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng khẳng định, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể những người “đi tìm lửa”, Tập đoàn sẽ từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao. Trong đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm mục tiêu kép, PVN sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng với mục tiêu đạt khoảng từ 10 đến 18 triệu tấn.

Tiếp tục khởi công các dự án lớn như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4; dự án khí Lô B, đồng thời, tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như: thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại hai nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2; giải quyết xong tranh chấp với các đối tác tại dự án Long Phú 1 và các dự án khó khăn khác. “Muốn hoàn thành sớm các mục tiêu, đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị phải chủ động, triển khai quyết liệt nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu của năm mới”, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.