Sẵn sàng thu dung, điều trị và chăm sóc chu đáo bệnh nhân Covid-19

NDO -

Số lượng người mắc Covid-19 gia tăng sau Tết Nhâm Dần, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã kích hoạt việc quản lý, điều trị F0 tại nhà, các cơ sở điều trị theo mô hình tháp “3 tầng”. Các cơ sở y tế sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đi đôi với duy trì các hoạt động thường quy nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng tốt nhất cho người dân.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Sau Tết Nguyên đán, số người mắc Covid-19 ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An liên tục gia tăng; mỗi ngày phát hiện hàng trăm ca đến cả nghìn người mắc, trong đó có hàng trăm ca cộng đồng. Nguyên nhân là do số người trở về quê dịp Tết đông, gia tăng tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu, tập trung đông người trong bối cảnh vẫn còn nhiều người mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Điều trị F0 tại nhà

Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa Trịnh Huy Triều trao đổi: Sau Tết, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn chủ động lấy mẫu test nhanh kháng nguyên, phát hiện bình quân khoảng 250 người mắc Covid-19/ngày. Tiếp thu kinh nghiệm của tỉnh bạn, nhất là nhiều người dân hiểu biết, nhận thức tốt, gia đình đủ điều kiện, hơn một tháng qua thành phố Thanh Hóa đã thực hiện điều trị F0 tại nhà. Đồng hành cùng hơn 200 nhân lực y tế ở Trung tâm Y tế thành phố và 34 trạm y tế phường, xã, còn có 223 tình nguyện viên y tế cùng tham gia  phòng, chống Covid-19. Tăng thời lượng truyền thông, hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại gia đình, phát tờ rơi, thiết lập cơ chế thông tin trao đổi, nắm bắt tình hình; căn cứ tình hình dịch, số lượng F0, mỗi phường, xã thành lập, duy trì hoạt động từ một đến ba tổ y tế lưu động hỗ trợ bệnh nhân điều trị tại nhà.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân -0
Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở TP Vinh thường xuyên được tổ Covid cộng đồng mua, tiếp tế thực phẩm và đồ dùng hằng ngày.

Theo tổng hợp, thành phố Thanh Hóa đã quản lý, hướng dẫn điều trị khoảng 3.500 F0 tại nhà, trong đó chỉ có gần 50 bệnh nhân chuyển nặng phải chuyển tuyến điều trị, 1.200 bệnh nhân đã hoàn thành điều trị tại gia và hiện có hơn 2.200 F0 đang  theo dõi, điều trị tại nhà.

Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò cũng được Sở Y tế Nghệ An cho phép điều trị F0 không triệu chứng và có triệu chứng thể nhẹ tại nhà.

Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn (thành phố Vinh) Từ Trọng Hải cho biết: Toàn phường có 154 ca F0, trong đó 10 ca phải chuyển tuyến trên. Phường đã vận hành Trạm Y tế lưu động để quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân F0 không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ; thành lập tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, do Trạm Trưởng Trạm Y tế lưu động làm tổ trưởng, công an phường, cán bộ các hội đoàn thể là tổ viên cùng các Tổ Covid cộng đồng, kết nối với F0 qua điện thoại, mạng xã hội để theo dõi sức khỏe, tư vấn cách điều trị…

Nhờ vậy, mọi diễn biến liên quan đến sức khỏe của F0 được theo dõi chặt; nếu có diễn biến xấu, ngay lập tức được báo cáo để chuyển tuyến trên. Đã có 94 người khỏi bệnh, 50 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, 288 F1 đang theo dõi và không có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh Hoàng Thế Tùng cho biết: Bảo đảm an toàn, hiệu quả điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú, giảm tải cho các cơ sở điều trị, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo thành lập trạm y tế lưu động tại 25/25 xã, phường cùng một cơ sở thu dung, điều trị khoảng 300 F0; đồng thời cử sáu bác sĩ, 10 điều dưỡng ở các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Trung tâm Y tế thành phố Vinh cử chín cán bộ tăng cường cho trạm y tế lưu động.

Thành đoàn Vinh triển khai mô hình "Hỗ trợ tư vấn điều trị F0 tại nhà", nòng cốt là các bác sĩ thuộc Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ và đội Shipper áo xanh ở 25 xã, phường. Thông tin cá nhân, số điện thoại liên hệ với các bác sĩ, đoàn thanh niên được công bố công khai để người dân tiện liên hệ.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân -0
Giám sát chặt bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An. 

Trạm y tế lưu động ở các phường, xã có trang, thiết bị như SPO2, bình ôxy…, biên chế từ ba đến bốn người, trong đó có một bác sĩ để cùng với các tổ Covid cộng đồng và chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân F0.

Từ đầu mùa dịch đến trưa 18/2, Nghệ An ghi nhận gần 43 nghìn ca mắc Covid-19; riêng thành phố Vinh có hơn 6.000 ca nhiễm mới. Trong số này có hơn 5.000 ca F0 điều trị tại nhà; chuyển bệnh viện dã chiến điều trị 118 bệnh nhân; điều trị tại trạm y tế 148 bệnh nhân; đã có 1.008 bệnh nhân khỏi bệnh, một ca tử vong khi đang điều trị ngày thứ 6 (nghi do nhồi máu cơ tim cấp)…

Việc điều trị, chăm sóc các bệnh nhân F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhưng ở thể nhẹ tại nhà đã giúp giảm tải cho tuyến trên, giúp việc chăm sóc bệnh nhân được thuận tiện, hiệu quả hơn cũng như giảm đáng kể nguồn kinh phí phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân F0.

Điều trị kịp thời bệnh nhân nặng

Trước Tết Nguyên đán, tỉnh Thanh Hóa trao thẩm quyền cho ban chỉ đạo các địa phương quyết định phương thức điều trị F0 cho phù hợp với điều kiện mỗi địa phương và vùng miền núi chủ yếu áp dụng điều trị F0 tập trung.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân -0
 Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa cùng cơ quan chuyên môn giám sát tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở  Trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Cuối năm 2021, tại huyện vùng cao Mường Lát phát sinh dịch Covid-19 cộng đồng quy mô lớn nên huyện đã thành lập, đưa vào hoạt động bốn cơ sở thu dung, quy mô điều trị 700 bệnh nhân. Tỉnh Thanh Hóa cử tổ công tác gồm 30 cán bộ, nhân viên y tế cùng hai xe cứu thương và vật tư y tế trợ giúp Mường Lát tầm soát, tách F0 khỏi cộng đồng cũng như thu dung, điều trị bệnh nhân F0.

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Mường Lát Hà Văn Ca trao đổi: Từ ngày 17/12/2021 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 1.000  người mắc Covid-19. Huyện đã thần tốc truy vết, cách ly, điều trị tích cực nên đến ngày 10/1/2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiềm chế, ngăn chặn. Số lượng bệnh nhân giảm nên Mường Lát chỉ còn vận hành một cơ sở thu dung, đang điều trị 40 bệnh nhân Covid-19.

Hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã triển khai phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; trong đó bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và đa khoa khu vực.

Ngoài Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi, tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng tái vận hành cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 số 2 tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa; các bệnh viện trong tỉnh sẵn sàng thực hiện phương án “bệnh viện tách đôi” khi phát sinh nhiều ca bệnh nặng, chuyển tuyến trên cấp cứu các bệnh thường quy thì phát hiện đồng thời mắc Covid-19. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hiện phân luồng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 đi đôi với xử trí các bệnh khác.

Một tuần trở lại đây, mỗi ngày Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận 30 đến 40 bệnh nhân F0 nặng từ cơ sở chuyển lên tầng 3. Với chỉ tiêu 100 giường bệnh, thực kê 150 giường, Trung tâm đang điều trị 198 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 18 bệnh nhân nguy kịch. Ngoài ra, còn có 95 bệnh nhân nặng, 34 bệnh nhân đang mang thai, hậu sản, 21 trẻ em, năm bệnh nhân ung thư, 10 bệnh nhân chạy thận, 27 bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, không có khả năng tự sinh hoạt…

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân -0
Tiêm mũi vaccine nhắc lại phòng Covid-19 cho nhà báo ở Thanh Hóa. 

Đội ngũ y bác sĩ nỗ lực vượt khó, tập trung chữa trị cho bệnh nhân F0 và phải bố trí cả phòng nghỉ tạm, phòng làm việc của nhân viên y tế làm phòng điều trị. Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An Quế Anh Trâm chia sẻ: “Trong khu điều trị bệnh nhân nặng, nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh, từ thay quần áo, ăn uống, đi vệ sinh… Một nhân viên y tế đang chăm sóc tới 4-5 bệnh nhân nên áp lực công việc rất lớn”.

Tính từ đầu mùa dịch đến trưa 18/2, Nghệ An ghi nhận 42.859 ca mắc Covid-19. Đã có 19.146 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, ra viện; 23.648 bệnh nhân đang điều trị; 65 bệnh nhân tử vong. Thanh Hóa ghi nhận 33.310 bệnh nhân Covid-19; Ngoài 49 ca tử vong, có 28.413 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh, còn lại đang điều trị.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An yêu cầu các đơn vị y tế chủ động tham mưu, bổ sung nhân lực, nâng năng lực, chất lượng hoạt động các trạm, tổ y tế lưu động tại các xã/phường/thị trấn nhằm triển khai chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú hiệu quả; không để xảy ra tình trạng thiếu nhân lực, bệnh nhân không liên lạc được với trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà từ cấp xã, đến cấp huyện, cấp tỉnh. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan