Sẵn sàng cho "sân chơi" lớn

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới diễn ra Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, nhưng đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho cuộc tranh tài của các sân khấu lớn đã cơ bản hoàn tất. Bên cạnh đề tài lịch sử, cách mạng, vấn đề nhức nhối trong đời sống hiện đại cũng được các sân khấu lựa chọn đưa vào vở diễn.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở kịch "Đồng chí", một trong những tác phẩm tranh tài tại Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. (Ảnh CTV)
Cảnh trong vở kịch "Đồng chí", một trong những tác phẩm tranh tài tại Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. (Ảnh CTV)

Mới đây, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã đưa ra suất diễn đầu tiên của vở kịch tâm lý hậu chiến mang tên "Đồng chí". Đây là dự án nghệ thuật của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, giao Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất, dựa trên kịch bản đoạt giải A của tác giả Lê Thu Hạnh tại Trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội tổ chức cách đó không lâu.

Với bề dày kinh nghiệm trong nghề cũng như gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lâu năm, Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã khai thác triệt để lợi thế tương tác của điểm diễn này. Để từ đó, những phân đoạn tâm lý được đẩy lên đỉnh điểm, khiến cảm xúc khán giả liên tục được đánh động; thông qua kỹ thuật biểu diễn và xử lý tinh tế trên nền mỹ thuật ước lệ. Dù trong không gian nhỏ đặc trưng, những lớp diễn tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh vẫn chạm sâu được đến lòng tự hào của người xem.

Đây là vở kịch được Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn tham dự trình diễn và tranh tài tại Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, nhằm gửi gắm thông điệp về lòng tự hào, ái quốc đến công chúng, nhất là thế hệ khán giả trẻ hôm nay.

Thời điểm này, các nghệ sĩ, diễn viên thuộc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đang tất bật chuẩn bị cho những công đoạn cuối cùng của vở kịch trinh thám "Đêm vượn hú" (tác giả: Xuyên Lâm, đạo diễn: Chánh Trực). Vở kịch nói về lòng tham, sự đố kỵ dẫn đến nhiều tội ác trong xã hội ngày nay. Tác phẩm được nhà hát chọn lựa để góp mặt tại Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Đạo diễn Chánh Trực cho biết, anh cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên khác đang rất háo hức cho cuộc tranh tài và giao lưu sắp tới.

Ở vai trò Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, Nghệ sĩ Nhân dân Mỹ Uyên cũng rất phấn khởi vì sau nhiều năm mong chờ, cuối cùng các sân khấu kịch nói tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại được tề tựu tại một sân chơi lớn mang tính chuyên môn cao. Đến bây giờ, Nghệ sĩ Nhân dân Mỹ Uyên vẫn còn nhớ như in vai diễn trong vở "Giai điệu tình yêu" khi tham gia Liên hoan Sân khấu mùa thu (gồm các đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) cách đây hơn 20 năm. Vậy nên, khi nhà hát của mình và các sân khấu kịch tại Thành phố Hồ Chí Minh có dịp gặp gỡ giới chuyên môn, đồng nghiệp và khán giả trong một liên hoan quy mô ngay tại "sân nhà", chị vui lắm.

"Mấy hôm nay, chúng tôi tập trung hết tâm sức cho vở diễn chuẩn bị tham dự liên hoan. Việc liên hoan quay trở lại là tín hiệu tốt, tạo động lực để các sân khấu cố gắng hết sức trong việc đầu tư sao cho mọi thứ thật chỉn chu, bài bản. Không chỉ tranh tài, đây còn là dịp để chúng tôi giao lưu, gặp các sân khấu bạn và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm", Nghệ sĩ Nhân dân Mỹ Uyên chia sẻ.

Những ngày này, Sân khấu Trịnh Kim Chi đang tập trung lực lượng chuẩn bị cho đợt lưu diễn vở "Khát vọng ngày mai" (kịch bản: Trần Văn Hưng, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc). Đây là vở kịch mà Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Trịnh Kim Chi dự kiến mang đi tranh tài tại Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Vở diễn kể về khát vọng và hành trình của những con người muốn phát triển tuyến Metro của thành phố. Bên cạnh đó, sân khấu này cũng có nguyện vọng đưa "Ngày ấy cổng trời" - vở kịch về đề tài lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ đổi mới đến với liên hoan.

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Kim Chi cho rằng: Liên hoan lần này là cơ hội lớn để các sân khấu giới thiệu đến đồng nghiệp, khán giả những sản phẩm chất lượng, những đề tài hấp dẫn; đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều đơn vị. Bên cạnh đó, còn có phần thưởng cho những vở diễn chất lượng, nghệ sĩ tạo dấu ấn, như một cách ghi nhận sự đóng góp, đầu tư của các sân khấu kịch. Những người gắn bó với kịch nói rất cần những liên hoan như thế này ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh để các sân khấu dù là nhỏ nhất, eo hẹp kinh tế nhất cũng có đủ điều kiện dựng vở tranh tài. Là một đô thị tập trung nhiều sân khấu xã hội hóa như Thành phố Hồ Chí Minh, việc tạo ra sân chơi chất lượng cao như thế này vô cùng ý nghĩa.

Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Với chủ đề "Khát vọng phương Nam", liên hoan nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Liên hoan lần này tập trung vào thể loại kịch nói, với sự tham gia của các đơn vị sân khấu trong và ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, liên hoan lần này chắc chắn sẽ khiến nhiều sân khấu tại thành phố phấn khởi vì giải được bài toán kinh phí. Trước kia, dù rất muốn tham gia các liên hoan toàn quốc nhưng nhiều sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh đành ngậm ngùi lỡ hẹn vì không đủ khả năng đầu tư cho toàn bộ ê-kíp đi thi tại các tỉnh suốt nhiều ngày liền. Với liên hoan lần này, mọi thứ thuận lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều. Khi tiết kiệm được kinh phí đi lại, ăn ở, các sân khấu sẽ có điều kiện đầu tư kỹ hơn cho chất lượng vở diễn, mang đến nhiều tác phẩm độc đáo, ấn tượng. Liên hoan đưa ra khá nhiều tiêu chí khắt khe, đòi hỏi các đơn vị phải thật sự chỉn chu về nội dung và cách thể hiện trong từng vở diễn.