Sẵn sàng cho năm học mới

Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở trường lớp, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, là năm đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10, nhưng ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp, phương án sẵn sàng cho năm học mới.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ sinh hoạt đầu năm của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phạm Văn Chính, thành phố Thủ Đức. (Ảnh THU HOÀI)
Giờ sinh hoạt đầu năm của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phạm Văn Chính, thành phố Thủ Đức. (Ảnh THU HOÀI)

Bắt đầu năm học 2022-2023, trong bối cảnh bình thường mới, ngành giáo dục thành phố nỗ lực biến khó khăn, thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra thành động lực, cơ hội để thay đổi và phát triển toàn diện.

Một năm học vượt khó

Năm học 2021-2022, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục luôn được tập trung nguồn lực thực hiện bằng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục thành phố. Trong nửa đầu năm học này, công tác phòng, chống dịch luôn được ngành giáo dục thành phố chú trọng triển khai.

Nhờ việc linh hoạt, chủ động, mạnh dạn thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp trở lại (từ ngày 20/10/2021) làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn trường học và với tinh thần “an toàn đến đâu mở cửa đến đó”, ngành giáo dục thành phố kiên trì thực hiện kế hoạch, phương án để bảo đảm học sinh toàn thành phố được trở lại học trực tiếp tại trường. Sau Tết Nguyên đán 2022, học sinh thành phố ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học đều đã đến trường học tập trực tiếp, tỷ lệ học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tăng cao, bảo đảm sức khỏe để học tập.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian học sinh không thể đến trường học tập trực tiếp vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục thành phố tập trung các nguồn lực để bảo đảm công tác dạy và học qua internet hiệu quả. Sở đã xây dựng kho học liệu trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học, trải nghiệm; vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ trang thiết bị học tập và đường truyền; dạy học trên truyền hình...

Việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành trong thời gian xảy ra dịch bệnh được xem là cơ hội để ngành giáo dục thành phố sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng, phần mềm vào giảng dạy; đẩy nhanh xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử; nhất là nâng cao khả năng thích ứng, chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong công tác lãnh đạo và quản lý.

Nhiều thách thức trong năm học mới

Năm học 2022-2023, dự kiến toàn thành phố tăng khoảng 21.800 học sinh, trong đó trường công lập tăng gần 15,3 nghìn học sinh; trường ngoài công lập tăng 6,5 nghìn học sinh. Số học sinh tăng nhiều tập trung tại thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn... Đây là các địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao trong nhiều năm qua.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ, trong nhiều năm qua việc gia tăng sĩ số học sinh của một lớp học gây nhiều áp lực; học sinh tham gia học hai buổi mỗi ngày giảm; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp. Đồng thời, thực tế này dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế, làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. Hiện, một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có sĩ số hơn 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Để giải quyết chỗ học, bảo đảm chất lượng dạy học cho học sinh, trong năm học mới 2022-2023, thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án xây trường với 575 phòng học sau khi hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 1.532 tỷ đồng. Trong đó, bậc mầm non 210 phòng học, bậc tiểu học 218 phòng học, bậc trung học cơ sở 147 phòng học. Trong năm học mới này, ngành giáo dục thành phố cần tuyển hơn 5.240 giáo viên: Bậc tiểu học 2.355 giáo viên, bậc trung học cơ sở 1.698 giáo viên; mầm non hơn 890 giáo viên và trung học phổ thông 296 giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn cho nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn. Hiện vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp nhằm thu hút giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán; số giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thành phố. Đáng chú ý, những lực lượng này có vai trò quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, định mức quy định và dựa vào tình hình thực tế để làm cơ sở tuyển dụng mới giáo viên...