Tại hội thảo, các khách mời đã tập trung làm rõ các điểm mới, những vấn đề còn vướng mắc được đề cập trong dự thảo Nghị định Quản lý về xăng dầu mà Bộ Công thương vừa trình Chính phủ. Các vấn đề như điều hành giá xăng dầu trong nước, hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hệ thống phân phối xăng dầu, xu hướng sản xuất, nhu cầu và kinh doanh xăng dầu trên thế giới đến năm 2030,… được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết, Nghị định Quản lý xăng dầu mới được Bộ Công thương thống nhất xây dựng theo hướng gần với thị trường nhất. Trong đó, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, làm rõ hơn cách thức hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; tiến tới công bố hai giá thành xăng dầu gồm giá bình quân thị trường thế giới và giá xăng dầu trong nước.
Về hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, xăng dầu là mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn của nhà nước, bởi vậy khi thị trường ổn định thì doanh nghiệp nên có quyền tự quyết giá xăng dầu. Hiện nay, doanh nghiệp xăng dầu không thể định đoạt được lợi nhuận mà hoàn toàn dựa vào thị trường thế giới do có độ trễ giữa giá thế giới và giá trong nước. Ông Bảo nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có quyền mua bán tự do với nhau.
Còn chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Nhơn - Giám đốc Quỹ năng lượng quốc tế thì cho rằng cũng cần phải xem xét lại quy định về lưu trữ xăng dầu khi giá thành xăng dầu được điều chỉnh 7 ngày/lần trong khi quy định lưu trữ là 20 ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây lãng phí nguồn lực về kho bãi, chất lượng cũng như tài chính. Bởi vậy, việc tự định đoạt giá bán của doanh nghiệp là cần thiết.
“Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương đã tạo nên một hành lang an toàn theo quy định pháp luật Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng cũng cần phải xem xét xem hành lang này đã đủ rộng chưa, biên độ hành lang pháp lý đã đủ để xử lý các biến động ngày càng nhanh và khó lường của thị trường xăng dầu thế giới hay chưa?”, ông Nguyễn Thành Nhơn nhấn mạnh.
Một vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo là việc sản xuất các sản phẩm xăng dầu đạt chất lượng Euro 4, Euro 5 của BSR trong thời gian tới. Trả lời vấn đề này, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương khẳng định, BSR chắc chắn sẽ bảo đảm chất lượng các sản phẩm xăng dầu theo chuẩn Euro 5 ngay khi hoàn thành nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong thời gian qua, BSR đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng của nhà máy, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
BSR cũng đang nghiên cứu, có thể cho ra sản phẩm nhiên liệu hàng không bền vững bảo đảm tiêu chuẩn năng lượng xanh của thế giới vào đầu năm 2025. Bên cạnh đó, BSR cũng nỗ lực chuyển dịch năng lượng, áp dụng AI để giảm phát thải nhà máy. Việc sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải Euro cao cần phải có một lộ trình rõ ràng, đồng bộ và hành lang pháp lý an toàn bởi việc nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ cần sự đầu tư rất lớn, thời gian dài nên cần một kết quả rõ ràng để đưa ra quyết định đầu tư.
Về xu hướng tiêu thụ xăng dầu thế giới, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Nhơn đã trình bày nghiên cứu cho thấy, nhu cầu xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh đến năm 2032. Trong xu thế dịch chuyển năng lượng, xăng dầu sinh học sẽ là các sản phẩm chủ đạo, tiêu thụ lớn, các sản phẩm năng lượng sạch sẽ được quan tâm đầu tư và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Ông Nhơn lưu ý, để đầu tư sản phẩm xăng dầu đạt chuẩn Euro 6 sẽ phải có lượng tài chính gấp 3 lần lượng tài chính đầu tư nâng cấp sản phẩm từ chuẩn khí thải từ Euro 1 đến Euro 3.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR đã gửi lời tri ân tới các đối tác, khách hàng đã đồng hành cùng công ty trong những năm qua. Ông Hội cũng khẳng định, xu hướng chuyển dịch năng lượng là tất yếu, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam cũng cần bám sát xu hướng này để cho ra các sản phẩm sạch hơn, xanh hơn đối với môi trường.