Sân khấu kịch Lệ Ngọc khởi công hai vở diễn mới về đề tài lịch sử

NDO -

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Sân khấu Lệ Ngọc tổ chức khởi công hai vở diễn mới “Lá đơn thứ 72” và “Truyền tích chùa Một Cột”. Đây là những vở diễn tiếp tục khai thác đề tài lịch sử - một trong những hướng đi chủ đạo được sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc.

Ê-kíp sáng tạo chia sẻ về hai vở diễn.
Ê-kíp sáng tạo chia sẻ về hai vở diễn.

Cả hai vở diễn đều quy tụ ê-kíp sáng tạo giàu kinh nghiệm. “Lá đơn thứ 72” được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du, thiết kế sân khấu: Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên.

Tác giả Hoàng Thanh Du cho biết, vở diễn khai thác câu chuyện lịch sử có thật diễn ra cách đây hơn 50 năm xoay quanh vụ án của một tù nhân đã từng viết hơn 70 lá đơn trong suốt 8 năm kêu oan. Mãi đến lá đơn 72, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được, vụ án mới được lật lại…

Qua đó, vở diễn khắc họa rõ nét hình tượng Bác - người cha già luôn hết lòng vì dân, luôn gần dân và quan tâm tới cả những người yếu thế nhất; hướng đến vận động mọi người cùng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, “Truyền tích Chùa Một Cột” được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Lê Thế Song với bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt. Thông qua truyền tích về sự ra đời của chùa Một Cột, vở diễn tái hiện giai đoạn bách niên thịnh trị của đất nước ta dưới thời Lý.

Từ đó, làm nổi bật hình tượng vua Lý Thái Tông - vị vua thứ hai của triều Lý với quan điểm trị nước chăn dân phải lấy nhân tâm làm trọng, cũng là người có nhiều công lao dẹp yên nội loạn với những bài học cảnh giác về tinh thần giữ nước, chống giặc ngoại xâm.

Vở diễn đồng thời cũng mang đến hiểu biết đầy đủ hơn cùng niềm tự hào về chùa Một Cột - biểu tượng độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đảm nhận vai trò đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt cho biết ông đặc biệt tâm đắc với kịch bản vở diễn bởi dù khai thác đề tài lịch sử thì những thông điệp mà vở diễn chuyển tải về đạo trị quốc, đạo làm người, về sức mạnh của tình đoàn kết, gắn bó để đánh đuổi thù trong, giặc ngoài đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.