Diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm cải lương hình thành và phát triển, đồng thời cũng là thời điểm giỗ Tổ ngành sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 đã hội tụ các đơn vị nghệ thuật cùng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên và những người tâm huyết với sân khấu cải lương trong cả nước. Ðã lâu lắm mới có một liên hoan gần như đầy đủ những gương mặt gạo cội của sân khấu cải lương bên cạnh rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ lần đầu góp mặt. Nét mới của kỳ liên hoan năm nay là sự mở rộng tham gia của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, tạo nên sự đa dạng về đề tài, cách thức thể hiện và chia sẻ không ít những kinh nghiệm về định hướng phát triển, vượt qua các khó khăn trong sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, giải trí để thu hút khán giả đến với sân khấu cải lương.
Việc không bị giới hạn theo chủ đề nhất định đã tạo nên sự phong phú về đề tài ở các vở diễn của liên hoan kỳ này, từ đề tài chiến tranh cách mạng cho đến các vấn đề xã hội, gia đình và cả các đề tài thời sự nóng bỏng trong xây dựng Ðảng; phát triển nông nghiệp, nông thôn với những biến động, đổi thay của xã hội… Nhiều mặt của cuộc sống từ xa xưa đến hiện tại đã được hiện diện trên sân khấu với những góc nhìn và phương thức tiếp cận khác nhau, chuyển tải các thông điệp nhiều ý nghĩa, góp phần vun đắp những nhận thức đúng đắn, cảm nhận về cái đẹp và các giá trị nhân văn. Các vở diễn tham dự liên hoan lần này đã phần nào cho thấy nỗ lực đổi mới để sân khấu cải lương ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn người xem, từ khâu kịch bản cho đến đạo diễn và diễn xuất của các đơn vị. Có xung đột, mâu thuẫn được đẩy lên cao trào, song cũng thấm đẫm chất thơ, tính tự sự trữ tình và cả những tả thực, ước lệ truyền thống, các vở diễn đã thật sự gây nên những bất ngờ thú vị cho người xem. Ở không ít vở diễn, không gian sân khấu được mở rộng từ việc sử dụng màn hình LED, trang trí mỹ thuật, tăng yếu tố minh họa, tạo hiệu ứng hoành tráng về quy mô và nghệ thuật cũng như sự độc đáo, mới lạ về sân khấu. Công tác tổ chức diễn xuất của các đoàn có nhiều thay đổi mạnh mẽ, chuyên nghiệp hóa đến từng khâu, giúp các vở diễn được liền mạch cảm xúc, trong khi trang phục đã bớt đi sự rườm rà mà hướng đến hiệu quả về cảm xúc của khán giả.
Tuy nhiên, cùng những mặt được nêu trên, Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 cũng bộc lộ nhiều mặt chưa được và các khó khăn, thách thức mà sân khấu cải lương nước nhà đang phải đối diện. Trước hết là sự thiếu vắng những kịch bản cải lương mới khi nhiều đơn vị vẫn phải dàn dựng vở diễn từ các kịch bản cũ hoặc chuyển thể từ kịch bản của các loại hình sân khấu khác. Số lượng các vở diễn phục dựng lại, làm mới từ cái cũ chiếm số lượng đáng kể trong số 32 vở diễn của các đoàn và các nhà hát, trong khi thiếu các kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay. Một số kịch bản còn yếu trong lột tả tính cách, sự phát triển tâm lý nhân vật, thiếu tính hợp lý và có phần khiên cưỡng, lời thoại và ca từ không phù hợp tình huống và bối cảnh. Nhiều khi công tác chỉ đạo nghệ thuật của không ít vở diễn còn bị chênh với đạo diễn do thiếu sự phối hợp, cho nên đã ảnh hưởng chất lượng tác phẩm.
Liên hoan lần này càng cho thấy sự cấp thiết hơn bao giờ về công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng đạo diễn chuyên ngành cải lương, có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, có tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp. Chỉ như vậy, sân khấu cải lương mới thật sự có được sự bứt phá về tư duy đổi mới, cách tân trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ, theo kịp với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu và cuộc sống đương đại. Bên cạnh các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng đã thành danh vẫn tiếp tục khẳng định tài năng của mình cùng thời gian, nhiều diễn viên trẻ tuy được các đơn vị tin tưởng giao đảm nhiệm những vai diễn, song lại chưa thể hiện được khả năng, thậm chí còn “gánh vai” quá sức mình về hình thể và khả năng ca diễn, lỗi nhịp, thiếu sự nền nã giản dị và chắc chắn của các âm tiết. Có nghệ sĩ còn để mắc những lỗi cơ bản, rất đáng tiếc như không thuộc lời thoại và ca từ, phải nhờ đồng nghiệp “nhắc tuồng” từ hai bên cánh gà. Bên cạnh các tai nạn kiểu để rơi râu, rơi mũ, tạo hình thiếu ý thức thẩm mỹ là việc bật mi-cro một cách tùy tiện trong diễn xuất, gây phản cảm cho người xem...
Mặc dù còn những “hạt sạn” đáng tiếc, nhưng có thể nói, Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 đã giúp các nhà quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực cải lương có được sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về thực trạng phát triển của loại hình sân khấu truyền thống này, từ đó có giải pháp khắc phục các khó khăn và những điểm còn yếu kém. 49 Huy chương vàng, 66 Huy chương bạc dành cho cá nhân các nghệ sĩ cùng sáu Huy chương vàng vở diễn là sự động viên lớn của ban tổ chức, khuyến khích những tìm tòi đổi mới để sân khấu cải lương ngày càng hay, hấp dẫn, thu hút đông khán giả trở lại.