Trong tập đầu tiên, các thí sinh trải qua hai phần thi: tiết mục tự chọn và thử thách từ chương trình (diễn một trích đoạn với một nghệ sĩ khách mời, hoặc ca một điệu theo bốc thăm ngẫu nhiên, hoặc trả lời câu hỏi liên quan đến lịch sử cải lương).
Sau đó, bốn giám khảo gồm Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hải, danh ca Châu Thanh, nghệ sĩ Thanh Hằng bấm nút chọn thí sinh. Nếu thí sinh được 3/4 lựa chọn trở lên, sẽ được đi tiếp. Nếu thí sinh chỉ nhận 2/4 lựa chọn thì tiếp tục thuyết phục một giám khảo có tên trong bì thư đã chọn trước đó, trước khi vào thi. Mỗi giám khảo cũng có một vé vàng, để đưa thí sinh đi thẳng vào vòng trong mà không cần sự đồng ý của ba thành viên còn lại.
Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là Nghệ sĩ Nhân dân-Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng "thầy đờn" - nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề.
Theo nhà sản xuất, Học viện Cải lương với tổ hợp gồm đào tạo-tranh tài-trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hóa. Học viện Cải lương gồm 12 tập. Trong đó, ba tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh.
Tám tập sau đó là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, Ban giám khảo chọn ra 25 bạn đi tiếp; sau đó, loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân. Sau đó, nhà sản xuất có kế hoạch tổ chức gala, tạo môi trường để thí sinh, người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp.
Tiêu chí của chương trình là đi tìm-đào tạo-truyền nghề và "đo ni đóng giày" những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ-giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, từng phần thử thách.
Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương như: Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương, Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Hà, Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Long, nghệ sĩ Kiều Mai Lý, Nghệ sĩ Nhân dân Hữu Quốc,... Ngoài ca-diễn, học viên cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: trang điểm, catwalk, chụp ảnh... để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.
Ðối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Trước đó, buổi tuyển chọn của chương trình đã quy tụ được hơn 300 thí sinh tham gia, gồm những người yêu thích cải lương nhưng chưa có kỹ năng, người có kỹ năng cơ bản và nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp. Bên cạnh kỹ năng ca, nhiều thí sinh có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng tiêu chí của nhà tổ chức.
Một trong những điểm thú vị của chương trình là sự đồng hành của các sứ giả văn hóa. Họ là giảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ... đã có những thành công trong sự nghiệp cá nhân, yêu thích và ủng hộ sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Ở mỗi tập sẽ có một người đồng hành để chấm chọn thí sinh. Họ đánh giá thí sinh với vai trò một khán giả đặc biệt. Với hoạt động sân khấu thực tiễn, khán giả đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của nghệ sĩ. Vì thế, nhà sản xuất mong muốn bên cạnh những nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có thêm thành phần này. Họ cũng góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu với cải lương, nghệ thuật truyền thống.