Trong thông cáo đưa ra ngày 21/7, IUCN cho biết loài bướm vua này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị phá hủy cũng như do tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Hằng năm, cứ vào mùa thu, bướm vua lại tổ chức một cuộc di cư quy mô lớn, di chuyển quãng đường hàng nghìn km từ những vùng sinh sản ở miền đông nước Mỹ và Canada để đi trú đông ở Mexico và California (Mỹ), sau đó quay trở lại vào mùa hè.
Mặc dù có số lượng lên tới hàng triệu con vào những năm 1990, song theo ước tính của các nhà khoa học, quần thể loài bướm vua di cư hiện đã thu hẹp hơn 85%.
Nguyên nhân của sự suy giảm này là do hoạt động khai thác gỗ và chặt phá rừng của con người để lấy đất sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị, khiến các vùng trú đông của bướm vua ở Mexico và California bị phá hủy.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trên phạm vi rộng trong nông nghiệp thâm canh cũng là tác nhân khiến một bộ phận bướm vua bị tiêu diệt và khiến cây cỏ sữa - nguồn thức ăn của ấu trùng bướm bị tàn lụi.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa ngày càng lớn với sự tồn tại của loài côn trùng này. Hạn hán hạn chế sự phát triển của cây cỏ sữa và làm tăng tần suất các vụ cháy rừng thảm khốc. Nhiệt độ cực đoan buộc bướm vua phải di cư sớm trước thời điểm cây cỏ sữa sinh trưởng, trong khi thời tiết khắc nghiệt cũng đã giết chết hàng triệu con bướm.
Mối quan tâm của các nhà bảo tồn hiện nay là liệu số lượng bướm sống sót có đủ để duy trì quần thể và ngăn chặn sự tuyệt chủng loài hay không.
Bà Anna Walker, thành viên của nhóm chuyên gia về loài bướm tại IUCN chia sẻ: “Thật không dễ chịu chút nào khi chứng kiến bướm vua và hành trình di cư đáng kinh ngạc của chúng đứng bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu của hy vọng. Nhiều cá nhân và tổ chức đã và đang chung tay cố gắng bảo vệ bướm vua cũng như môi trường sống của chúng. Từ việc trồng cây cỏ sữa bản địa và giảm sử dụng thuốc trừ sâu đến hỗ trợ bảo vệ các địa điểm trú đông của bướm vua, tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc bảo đảm loài côn trùng mang tính biểu tượng này hoàn toàn hồi phục”.
Cùng với bướm vua di cư, 26 loài cá tầm còn lại trên thế giới hiện nay cũng được IUCN bổ sung vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng sau nhiều thế kỷ bị đánh bắt quá mức để lấy thịt và trứng cá muối. Trong số đó, có 17 loài thuộc diện cực kỳ nguy cấp.
Sách đỏ IUCN hiện có khoảng 147.500 loài, với hơn 41 nghìn loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các nhà khoa học gọi đây là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 của Trái đất và lần đầu tiên do con người gây ra.