Đã có 21 trên 31 mặt hàng tăng giá đẩy chỉ số MXV-Index cao hơn 0,74% lên 2.161 điểm. Đáng chú ý, giá một mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp như ca-cao, đường, cao su RSS3 tăng mạnh 2-5%.
Trong khi hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đều nhận được lực mua khá tích cực. Kết thúc ngày giao dịch, giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 7.400 tỷ đồng.
Nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt xu hướng tăng giá thị trường
Khép lại phiên giao dịch 11/3, giá đường 11 tăng 3,78% khi thị trường phản ứng rõ nét với triển vọng mùa vụ kém tại Brazil. Hãng tư vấn Datagro dự báo sản lượng đường niên vụ 24/25 tại vùng Trung Nam, nơi sản xuất đường chính của Brazil giảm 4,8% so niên vụ trước, xuống 40,45 triệu tấn. Lượng mưa thấp dưới mức trung bình đã làm dấy lên lo ngại nguồn cung đường thu hẹp hơn trong thời gian tới.
Giá ca-cao cũng tiếp tục tạo kỷ lục mới khi tăng vọt 5,19% lên mức 6.728 USD/tấn vào ngày giao dịch hôm qua. Tổ chức Ca-cao quốc tế (ICCO) trong báo cáo hàng quý mới nhất cho biết thiếu hụt ca-cao trên toàn cầu trong niên vụ 2023/24 (tháng 10/2023-9/2024) sẽ lên tới 374.000 tấn.
Nguyên nhân chủ yếu do sâu bệnh và những diện tích ca-cao hiện đang thu hoạch ở 2 nước trồng ca-cao nhiều nhất thế giới Bờ Biển Ngà và Ghana đã trở nên già cỗi. ICCO dự báo tồn trữ ca-cao toàn cầu cuối niên vụ 2023/24 sẽ giảm xuống 1,395 triệu tấn, tương đương 29,2% khối lượng ca-cao xay nghiền, là mức thấp nhất trong 45 năm qua.
Tâm lý thị trường bị tác động trước thông tin thời tiết bất lợi tại Thái Lan và nhu cầu cao su thế giới gia tăng mạnh đã đẩy giá cao su RSS3 lên mức 2.180 USD/tấn, cao hơn 2,04% so với hôm trước và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2023.
Giá dầu cọ tăng 0,62% so với tham chiếu khi nhu cầu dần hồi phục. AmSpec Agri Malaysia ước tính lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 3 tăng 6,2% so với cùng kỳ tháng trước.
Kim loại đón dòng tiền mua khá tích cực
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 11/3, hầu hết các mặt hàng trong nhóm kim loại đều tiếp tục đón nhận lực mua tương đối tích cực, ngoại trừ đà lao dốc hơn 6% của giá quặng sắt. Nhóm kim loại quý vẫn nhận được dòng tiền mua sau khi tăng mạnh vào tuần trước. Giá bạc tăng nhẹ 0,68% lên 25,71 USD/ounce. Bạch kim bứt phá với mức tăng 2,81% lên 940,5 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1.
Hai mặt hàng kim loại quý hưởng lợi từ dòng tiền mua khi vai trò trú ẩn được thúc đẩy trước thềm công bố dữ liệu lạm phát tại Mỹ. Các nhà đầu tư đã hạn chế tài sản mang tính rủi ro, kéo theo mức giảm trên thị trường chứng khoán với cả ba chỉ số chính tại phố Wall đều chìm trong sắc đỏ. Trước đó, chứng khoán Mỹ cũng đã giảm vào cuối tuần trước khi báo cáo bảng lương phi nông của Mỹ không làm thay đổi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Tuần trước, bình luận từ Chủ tịch FED Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã làm tăng kỳ vọng rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào mùa hè này. Kỳ vọng cắt giảm ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 hiện ở mức trên 70%. Điều này có lợi cho giá bạc và bạch kim do chi phí cơ hội của việc nắm giữ giảm bớt, từ đó thúc đẩy lực mua trên thị trường trong phiên đầu tuần.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, hầu hết các mặt hàng cũng đều đón nhận đà tăng giá trước kỳ vọng FED chuẩn bị bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất từ nửa cuối năm nay. Ngoài ra, đối với đồng COMEX, lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường đã hỗ trợ đáng kể cho giá. Chốt phiên, giá đồng COMEX tăng 0,95% lên 3,92 USD/pound.
Theo dữ liệu do Ủy ban Đồng Chile (Cochilco) công bố, Codelco - nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới đã chứng kiến sản lượng giảm gần 16% so cùng kỳ năm ngoái xuống còn 107.000 tấn trong tháng 1. Công ty khai thác mỏ quốc doanh này đang phải vật lộn để khai thác đồng khi các dự án mở rộng nhằm bù đắp cho sự suy giảm chất lượng quặng đã bị cản trở bởi tiến độ và chi phí cao.
Ngoài ra, dự trữ đồng trên hệ thống LME đã giảm hơn 30% xuống còn 110.850 tấn kể từ cuối tháng 12, cũng góp phần hỗ trợ giá.