Sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (13/11), sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới.
0:00 / 0:00
0:00

Trong tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV, chỉ có hai mặt hàng giảm giá. Chỉ số MXV-Index bật tăng 1,69% lên 2.214 điểm, cắt đứt chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng gấp đôi so ngày trước đó, đạt gần 4.200 tỷ đồng.

Sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 1

Giá quặng sắt lên mức cao nhất từ tháng 3/2023

Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần 13/11, thị trường kim loại đồng loạt phục hồi sau tuần giảm giá mạnh trước. Đồng USD yếu hơn đã thu hút dòng tiền quay lại thị trường kim loại quý. Trong khi, các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc củng cố lực mua các mặt hàng kim loại cơ bản.

Đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên, giá bạc chốt ngày trong sắc xanh với mức tăng 0,35%, lên 22,35 USD/ounce. Bạch kim đứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, phục hồi từ mức đáy hơn một năm qua, tăng 2,13% lên mức 863,6 USD/ounce.

Các nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước thềm báo cáo lạm phát Mỹ tháng 10 được công bố vào tối nay (ngày 14/11). Một cuộc khảo sát do 22V Research thực hiện cho thấy, 36% trong tổng số người được thăm dò đặt cược "giảm rủi ro" lạm phát, trong khi 31% nghiêng về phía "rủi ro".

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ hạ nhiệt, tháng 10 chỉ tăng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái và giảm so mức 3,7% trong tháng 9. Điều này củng cố niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ lực mua bạc và bạch kim do chi phí đầu tư bớt đắt đỏ hơn.

Sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 2

Đà tăng của giá kim loại cơ bản cũng được thúc đẩy một phần nhờ đồng USD giảm giá. Ngoài ra, sau hàng loạt các dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc vào tuần trước, nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ nước này sẽ có nhiều gói kích cầu phục hồi tăng trưởng.

Giá đồng COMEX tăng mạnh 2,2%. Quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 128,16 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 đến nay, sau khi tăng 1,06% trong phiên hôm qua.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) cho biết, các tổ chức tài chính đã cung cấp các khoản vay mới trị giá 738 tỷ nhân dân tệ trong tháng 10, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế với mức 655 tỷ nhân dân tệ và tích cực hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh yếu tố vĩ mô, giá đồng COMEX còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi rủi ro nguồn cung tại mỏ Cobre Panama, do các cuộc biểu tình phản đối dự án tiếp cận cảng. Mỏ đồng này chiếm 1% nguồn cung thế giới và đóng góp khoảng 5% vào GDP của Panama.

Triển vọng nguồn cung thu hẹp đẩy giá đậu tương tăng cao

Giá các mặt hàng nhóm đậu tương đã bật tăng mạnh mẽ trong ngày giao dịch đầu tuần (13/11), trái ngược với diễn biến suy yếu sau báo cáo cung-cầu cuối tuần trước. MXV cho biết, hoạt động thu hoạch của Mỹ sắp hoàn thành, lo ngại của thị trường về mùa vụ tại Nam Mỹ ngày càng gia tăng. Triển vọng nguồn cung thu hẹp cũng đã khiến các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng.

Sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 3

Các đơn hàng liên tục trong ngày cho thấy nhu cầu đậu tương từ Mỹ tăng vọt trong giai đoạn gần đây. Trung Quốc là điểm đến của hầu hết các đơn hàng này. Tối qua, báo cáo cho biết hơn 200.000 tấn đậu tương được giao trong niên vụ 23/24 sang Trung Quốc đã củng cố triển vọng nhu cầu. Đây cũng là lý do mà lực mua liên tục đẩy mạnh trong trong phiên tối và giá đậu tương đóng cửa ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong vòng một tháng qua.

Hãng tư vấn AgRural mới đây đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 163,5 triệu tấn, từ mức ước tính 164,6 triệu tấn trong tháng 10. Đợt nắng nóng gần đây đã ảnh hưởng đến mùa vụ ở bang sản xuất lớn nhất là Mato Grosso. Thời tiết bất thường đã tác động đến quá trình phát triển ban đầu của đậu tương mới trồng, đồng thời gây thiệt hại về năng suất ở các cánh đồng đã ra hoa và tạo vỏ.

Safras cho biết thậm chí nhiều nông dân đã phải trồng lại đậu tương. Tính tới 9/11, tiến độ trồng đậu tương ở Brazil đạt 61% kế hoạch, vẫn chậm hơn mức 69% cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ gieo sạ đậu tương chậm nhất ở Brazil kể từ niên vụ 20/21. Khả năng mùa vụ đậu tương của Brazil thiệt hại không chỉ hỗ trợ cho giá mặt hàng này mà còn đẩy giá khô đậu nhảy vọt lên mức cao nhất trong 8 tháng.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (13/11), giá khô đậu tương Nam Mỹ về Việt Nam đã được điều chỉnh giảm tương đối mạnh đối với kỳ hạn giao xa.

Cụ thể, tại cảng Cái Lân, giá đậu tương Nam Mỹ kỳ hạn giao hai tháng cuối năm nay vẫn ổn định trong khoảng 14.900-15.100 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào kỳ hạn giao quý I năm sau thấp hơn hẳn, dao động quanh mức 14.050-14.100 đồng/kg. Mức giá giao dịch tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn khoảng 100-150 đồng/kg so cảng Cái Lân.