Sắc màu văn hóa Sa Pa trong lòng Hà Nội

Cuối tuần qua, công chúng và khách du lịch đã có dịp trải nghiệm một “Sa Pa thu nhỏ” khi chương trình Ngày hội Văn hóa, du lịch Sa Pa được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Sa Pa đã đem đến cho công chúng những cảm xúc thú vị; qua đó, góp phần kích cầu du lịch, tăng cường mối liên kết du lịch giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Lào Cai.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu nét đẹp văn hóa Sa Pa tại Hà Nội. (Ảnh Ngô Huyền)
Giới thiệu nét đẹp văn hóa Sa Pa tại Hà Nội. (Ảnh Ngô Huyền)

Trong khuôn viên của vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực chung quanh nhà Bát giác được thiết kế thành nhiều không gian, nổi bật nhất là không gian giới thiệu đời sống văn hóa, sinh hoạt, sản phẩm thủ công, nghề truyền thống... của các dân tộc trên địa bàn Sa Pa, đó là không gian văn hóa của dân tộc H’Mông, dân tộc Xa Phó, dân tộc Giáy...

Ở đó, khách du lịch được tìm hiểu về các công đoạn chế tác chiếc khèn huyền thoại, hay những đồ trang sức bằng bạc của đồng bào Mông; tài năng đan lát của người Xa Phó; hay các màn giới thiệu về dệt thổ cẩm, nhuộm sáp ong, nghề làm trống... và các hoạt động văn hóa truyền thống khác. Đêm khai mạc với chủ đề “Vũ hội dưới trăng”, du khách được chứng kiến một màn trình diễn thực cảnh hoàng tráng được kết nối nhịp nhàng, khéo léo bằng các phần trình diễn thông qua âm nhạc, hoạt cảnh, nghệ thuật múa, lời ca, tiếng khèn, tiếng đàn...

Show diễn có sự tham gia của gần 200 diễn viên không chuyên, là nghệ nhân, đồng bào H’Mông, Dao, Xa Phó, Tày, Giáy sinh sống tại Sa Pa. Các hoạt động thường ngày của đồng bào các dân tộc Sa Pa được chuyển hóa sinh động trên sân khấu giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và hòa mình vào đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong đêm diễn là màn tái hiện phiên Chợ tình Sa Pa, nơi các chàng trai, cô gái trao nhau tiếng khèn, câu hát giao duyên. Khách tham quan không khỏi bất ngờ trước quy mô của sự kiện.

Anh Hoàng Tuấn Minh (phố Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã từng đi du lịch Sa Pa, nhưng khi đến với chương trình, tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên, vì Sa Pa không chỉ có đỉnh Fansipan mà còn nhiều nét đẹp văn hóa khác để chúng ta có thể khám phá”.

Sa Pa là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam. Ngoài nét đặc sắc về đời sống, văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc thiểu số: H’Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó, nơi đây có đỉnh Fansipan với chiều cao 3.147m, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, Sa Pa mát mẻ vào mùa hè, là nơi tránh nóng lý tưởng; đồng thời, là điểm săn tuyết được nhiều người ưa thích vào mùa đông.

Sa Pa chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2017. Đây là lợi thế lớn cho sự phát triển của Sa Pa nói chung và du lịch Sa Pa nói riêng. Những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Sa Pa nhận được những bình chọn ấn tượng như: Tốp 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; Tốp 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; là 1 trong 10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á...

Năm 2023, thị xã đón hơn 3,68 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.707 tỷ đồng. Đối với việc phát triển du lịch Sa Pa trong thời gian tới, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng cho biết, thị xã Sa Pa phấn đấu trở thành đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, thị xã đang triển khai xây dựng hạ tầng, nâng cao ý thức người dân... để đạt chuẩn Đô thị du lịch sạch ASEAN.

Sa Pa đang xây dựng sản phẩm du lịch với các đặc trưng: Đặc sắc, bản sắc, thân thiện, chuyên nghiệp. Bên cạnh khai thác các thế mạnh cảnh quan, địa hình của dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan, Sa Pa tiếp tục đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, với các bản du lịch cộng đồng, với mỗi dân tộc có một bản du lịch cộng đồng như: Bản Tả Van với đặc trưng của dân tộc Giáy, bản Lao Chải của dân tộc Dao, bản Tả Phìn dân tộc Dao và H’Mông...

Đối với sự kiện Ngày hội Văn hóa, du lịch Sa Pa tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân cho biết: “Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hợp tác phát triển giữa thị xã Sa Pa với quận Hoàn Kiếm nói riêng và là hoạt động thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Thành phố Hà Nội nói chung. Đây là dịp để thị xã Sa Pa quảng bá, giới thiệu hình ảnh, xúc tiến du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhất là nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô đến tham quan, lưu trú trên địa bàn thị xã Sa Pa”.