Sắc màu mỹ thuật trẻ miền trung

Mỹ thuật trẻ miền trung trong hành trình phát triển đang góp một phần không nhỏ làm phong phú thêm cho giá trị văn học, nghệ thuật khu vực và cả nước. Bằng cách tiếp cận đề tài phóng khoáng, khai mở nhãn quan mỹ thuật ở nhiều góc độ khác nhau, các hoạ sĩ trẻ miền trung từng bước hòa vào bức tranh mỹ thuật chung. Đó là sự sáng tạo không ngừng và kiên trì trên con đường nghệ thuật để chinh phục các giá trị Chân-Thiện-Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Triển lãm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng 2023.
Một góc Triển lãm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng 2023.

Triển lãm Mỹ thuật trẻ - Đà Nẵng 2023 diễn ra tại tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, là cuộc hội ngộ đầy ấn tượng của 30 họa sĩ trẻ đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Với 43 tác phẩm đa dạng về chất liệu và thể loại, các tác giả đã gửi gắm nhiều nội dung ý tưởng phong phú, thông điệp ý nghĩa về đời sống nhân sinh, về vấn đề môi trường hiện nay..., cũng như tình cảm sâu lắng dành cho mảnh đất và con người trên quê hương miền trung thương mến.

Giới yêu mỹ thuật đánh giá, đây là cuộc triển lãm đầy sức trẻ và có sức hút mãnh liệt đối với người thưởng ngoạn. Phong cách sáng tạo, chất liệu và bút pháp thể hiện trên chất liệu sơn dầu hay acrylic trên vải toan, sơn mài, mầu nước... đậm chất nghệ thuật được các họa sĩ trẻ gửi gắm mang lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Điều này giúp các họa sĩ thỏa niềm khát khao được vẽ, được sống trong những sắc màu, sáng tạo nên những tác phẩm tâm đắc.

Họa sĩ trẻ Hà Châu, sinh năm 1990, hội viên Hội Mỹ thuật-Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, mang đến triển lãm với chùm bốn tác phẩm mang tên “Cúc”, như tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đó là hình ảnh bốn người phụ nữ được vẽ qua nhiều góc cạnh khác nhau, thể hiện trên nhiều gam mầu khác nhau.

Họa sĩ Hà Châu mong muốn lưu giữ lại chân dung người phụ nữ xưa với vẻ đẹp thanh xuân thánh thiện. Với anh, nghệ thuật là một hành trình khó khăn, vất vả và phải thật kiên trì. Đối với những họa sĩ trẻ, một trong những điều họ luôn nhắc nhớ bản thân là phải vẽ liên tục và luôn hướng đến cái mới, sự sáng tạo. Học hỏi những nét hay, phong cách lạ, mới, của bạn bè đồng trang lứa và các bậc tiền bối.

“So với mỹ thuật trẻ ở hai đầu đất nước thì mỹ thuật trẻ khu vực miền trung còn phải nỗ lực không ngừng. Tôi nghĩ rằng, bản thân cần một nhãn quan riêng, một góc nhìn riêng về vẻ đẹp bất tận của đời sống, con người, thiên nhiên, thổi vào tác phẩm điều tâm huyết nhất, góp một phần nhỏ vào thành tựu chung của mỹ thuật trong khu vực”, họa sĩ Châu nói.

Mang đến triển lãm với tác phẩm Mơ, thể loại video art, họa sĩ Huỳnh Thị Minh Hạ, giảng viên bộ môn Mỹ thuật, khoa Nghệ Thuật, Trường đại học Khánh Hòa khiến người xem bị cuốn hút và bất ngờ. Và để chinh phục nghệ thuật, người trẻ sử dụng tất cả các phương tiện có thể làm nghệ thuật để phản ánh được cảm xúc và phản ánh được đời sống, xã hội và những điều mình quan tâm.

“Tác phẩm có thành công hay không, phụ thuộc một phần vào cảm xúc của người xem, người thưởng ngoạn. Tôi mong rằng mỹ thuật trẻ miền trung sớm chạm đến khát vọng cống hiến vì vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống”, họa sĩ Hạ bày tỏ.

Những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức khá nhiều cuộc triển lãm kết nối mỹ thuật khu vực, cả nước và quốc tế. Thành phố Đà Nẵng kỳ vọng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ là nơi kết nối, giao lưu là điểm đến sáng tác của các văn nghệ sĩ, họa sĩ trong nước và quốc tế. Từ những cuộc hội ngộ đó, các tác phẩm mỹ thuật có sức lan tỏa hơn khi đến được với đông đảo người xem, giới yêu mỹ thuật.

Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng: Các họa sĩ trẻ miền trung, trong đó có TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, rất có tiềm năng phát triển, dựa theo phong cách sáng tác của họ, góp phần tạo ra tương lai cho mỹ thuật khu vực miền trung và cả nước.

Họa sĩ Võ Quang Phát, Phó Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chia sẻ: Qua triển lãm mỹ thuật trẻ - Đà Nẵng 2023, có thể thấy, các họa sĩ trẻ luôn tìm tòi sáng tạo mới về mặt kỹ thuật cũng như tiếp cận với các đề tài mang tính chất xã hội. “Với vai trò đào tạo, tôi mong muốn các bạn trẻ có thật nhiều điều kiện, được hỗ trợ để có thể mang tác phẩm của mình giới thiệu cho công chúng.

Cần sự hợp tác các hội chuyên ngành trong khu vực miền trung cũng như cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho họa sĩ trẻ được đến, tham gia trưng bày, triển lãm. Qua đó nhằm kết nối, trải nghiệm, giao lưu với các họa sĩ tên tuổi để làm giàu thêm kiến thức về mỹ thuật, làm phong phú thêm cho phong cách sáng tác của mình”, họa sĩ Phát kỳ vọng.