Sáng 8-1, chúng tôi ngược quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên vùng “rốn rét” Sa Pa, gió thổi ào ào kèm theo mưa nhỏ và sương mù dày đặc, nhiệt độ là 3 độ C, rét tê tái như có hàng ngàn mũi kim chích vào da thịt buốt cứng. Dọc đường đi liên tục bắt gặp đồng bào H’Mông, Dao lùa trâu đi ngược chiều để xuống vùng thấp sát thành phố Lào Cai tránh rét.
Ở “khu tập kết” Cốc San, thuộc huyện Bát Xát, cách vùng rốn rét Sa Pa hơn 30km, chị Giàng Thị Xinh, ở xã Tả Phìn cho biết: “Nhà mình có năm con trâu cả to và bé, mùa đông này rét quá, cỏ chết hết nên mình phải lùa đàn trâu xuống đây để tránh rét, dễ kiếm cỏ cho trâu ăn, qua mùa rét mới đưa trâu trở về nhà”.
Không chỉ có chị Xinh, tại đây còn có hàng chục gia đình khác từ các xã Trung Chải, Tả Phìn, Sa Pả cũng “sơ tán” trâu xuống hạ trại tránh. Bà con dùng cây gỗ hoặc tre làm cột, dựng lán trại lợp bằng nilon, quây kín bằng bạt dứa để làm chỗ ở tạm và để nhốt trâu, tránh gió và mưa rét. Bà con mang theo lương thực và đồ dùng như nồi niêu và thực phẩm khô để có thể trụ lại dài ngày cho qua mùa rét khắc nghiệt.
“Mình chịu khổ một chút nhưng bảo vệ được đàn trâu an toàn, vì đó là tài sản lớn của gia đình”, ông Lý Láo Tả, người dân tộc Dao, ở thôn Má Tra, phường Sa Pả, có bảy con trâu sơ tán về đây, chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, mùa đông ở Sa Pa rất rét và kéo dài, nhiều khi có băng giá hoặc mưa tuyết, khiến cỏ cây lụi tàn, thức ăn tự nhiên cho đàn gia súc khan hiếm. Mặt khác, do rét lạnh kéo dài nên sức chống chịu, đề kháng của trâu suy giảm, rất dễ bị chết. Vì thế, bên cạnh việc vận động, hướng dẫn người dân nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông, trồng cỏ VA06, trồng ngô dày và dự trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc mùa rét, chúng tôi khuyến cáo bà con di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp ở Cốc San (Bát Xát) và sát thành phố Lào Cai để tránh rét hại.
Từ đầu mùa rét đến nay, nông dân Sa Pa đã “sơ tán” hơn 4.000 con trâu xuống vùng thấp như Toòng Sành, Cốc San, Đồng Tuyển để tránh rét, bảo vệ đàn trâu an toàn trong mùa đông. “Chúng tôi đã thực hiện kiểm dịch và chủ động liên hệ với chính quyền địa phương sở tại để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Sa Pa đưa trâu đến nuôi nhốt, chăn thả ở địa phương, bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh và không ảnh hưởng xấu đến cây trồng ở đây”, bà Hương nói thêm.