Sáng 17/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương về đánh giá kết quả bước đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4, những bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thời gian tới.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng.
Lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản trên toàn quốc; hiện nay, chúng ta đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Do đó chúng ta phải đánh giá lại giai đoạn đợt dịch thứ 4.
Vừa qua, ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết, trong đó có Quyết định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; sau đó Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128. Như vậy, chúng ta đã tổ chức thực hiện được 1 tuần, là những việc chưa có tiền lệ, do đó phải ban hành những quyết định, quy định tạm thời, trên cơ sở đó vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Những gì tốt thì tiếp tục phát huy, những gì chưa tốt thì bổ sung, điều chỉnh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh lại những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất theo quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP và Hướng dẫn của Bộ Y tế (Quyết định 4800) vì vẫn còn một số nơi chưa làm đúng. Tinh thần chung là phải lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương; cấp dưới phục tùng cấp trên; các quy định của các địa phương không được trái với quy định của T.Ư. Vừa qua, có những nơi ban hành văn bản chưa đúng quy định chung, gây ách tắc không cần thiết. Các địa phương cần phản ánh sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 và Hướng dẫn của Bộ Y tế thì có những điểm gì vướng trên thực tiễn, những gì thiếu thống nhất để tìm giải pháp điều chỉnh. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, những điểm gì không vướng về quy định thì yêu cầu các địa phương thực hiện đúng theo quy định. Cái gì cao hơn, vượt hơn, sớm hơn theo quy định thì phải báo cáo T.Ư theo như Nghị quyết đã nêu.
Các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Ban Chỉ đạo Quốc gia đã kiến nghị các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên cơ sở độ bao phủ vaccine, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương; khi thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch có hiệu quả thì từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.
Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
Tiếp tục nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vaccine nhưng phải quản lý chặt chẽ về cấp phép, bảo đảm chất lượng, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí, an toàn, hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; nghiên cứu việc xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất an toàn để góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, du lịch trong điều kiện bình thường mới; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các nhiệm vụ giải pháp, biện pháp cần toàn diện, hiệu quả, kịp thời
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đánh giá, những kết quả bước đầu đạt được trong phòng, chống dịch là hết sức quý giá với nhiều thành công, khó khăn vượt qua và bài học kinh nghiệm; khẳng định các chủ trương, giải pháp trong phòng, chống dịch là đúng đắn, được kiểm nghiệm qua thực tiễn...
Đối với công tác tuyên truyền thời gian tới, đồng chí kiến nghị cần tập trung các nhiệm vụ lớn: tập trung tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ hơn về kết quả bước đầu đạt được trong phòng, chống dịch; hiểu rõ về thành công, hạn chế, bài học kinh nghiệm, mô hình hay gắn với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ và kết quả tại địa phương mình.
Nâng cao tính chủ động, kịp thời, kiên định giữ vững các phương pháp cơ bản, mục tiêu xuyên suốt trong công tác giáo dục tuyên truyền, đồng thời đa dạng hóa trong nội dung, hình thức tuyên truyền, định hướng dư luận đúng, chính thống. Tiếp tục tuyên truyền để thống nhất hành động cụ thể. Tuyên truyền về tiêu chí để người dân hiểu khi chuyển trạng thái; chiến lược tiêm phòng từ nay đến cuối năm và năm 2022. Tiếp tục tuyên truyền lan toả tinh thần "tương thân tương ái", đoàn kết, hỗ trợ, nhất là hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp và thiệt hại nhiều do đại dịch; chú ý đẩy mạnh tuyên truyền thiên tai, bão lũ. Đấu tranh phản bác các thông tin xấu của các thế lực thù địch; đẩy mạnh thông tin truyền thông đối ngoại…
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương có nhiều quyết định, chủ trương, giải pháp kịp thời sát thực tế, đúng hướng, hiệu quả cả về quản lý nhà nước, quản trị xã hội, chuyên môn y tế. Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên cả nước.
Đồng chí khẳng định, nếu không có tính ưu việt của hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, chiến lược ngoại giao vaccine tốt thì chắc chắn không đạt hiệu quả như vừa qua và tổn thất lớn hơn. Nhân dân rất tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, các địa phương.
Đồng chí nhấn mạnh, những việc làm vì nước, vì dân thì nhân dân đều ghi nhận đúng đắn, cảm nhận được và biết ơn. Không thể lấy tư duy, quy định lúc bình thường để áp vào trạng thái phòng, chống dịch bệnh. Tất cả phải hướng tới sự đoàn kết, quy tụ sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cho công cuộc phòng, chống dịch. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải được coi trọng hơn nữa…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các ý kiến đều thống nhất kiểm soát được tình hình, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội thành công trong giai đoạn tới.
Chúng ta thống nhất nhận thức là hậu quả đợt dịch lần này rất nghiêm trọng cả về kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống nhân dân. Do đó, các nhiệm vụ giải pháp, biện pháp tới đây cần phải toàn diện, hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắn bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, địa phương. Do đó cần tiếp tục mổ xẻ, nghiên cứu kỹ, đánh giá thật sâu để tìm nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để có bài học kinh nghiệm sâu sắc, sát thực tiễn, có tính khả thi để khắc phục hạn chế, bất cập này thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta thấy kết quả bước đầu còn gian nan, cho nên không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Không mất bình tĩnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi dịch bùng phát bất cứ lúc nào. Chúng ta đã rút ra bài học để ứng xử nhanh và có điều kiện tốt hơn, cách làm bài bản hơn, tự tin từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, diễn biến các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về chiến lược phòng, chống dịch nói chung. Có kịch bản, phương án để chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cách vận hành, diễn tập…
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội;
Làm tốt công tác an sinh xã hội, khôi phục chuỗi cung ứng lao động. Công tác an sinh xã hội không để sót, lọt các đối tượng. Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học. Triển khai một số giải pháp chăm sóc các cháu mồ côi vì dịch bệnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng phối hợp, đề xuất giải pháp bảo đảm căn cơ, hiệu quả, chu đáo.
Triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vaccine. Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine; bảo đảm chủ động nguồn vaccine năm 2022; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Khi mở cửa trở lại, người tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm mặc dù không bị nặng, do đó phải kiểm soát rủi ro và khâu điều trị là rất quan trọng. Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị cơ sở điều trị kết hợp tập trung, vừa phân tán, phân cấp nhanh nhất, sớm nhất từ cơ sở; thu dung điều trị kịp thời.
Về góp ý cho Nghị quyết 128/NQ-CP, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thận trọng, nhưng không quá cầu toàn; phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, địa phương, cơ quan, đơn vị... Những gì chưa được, phù hợp phải kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay trên nguyên tắc lãnh đạo phải xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương. T.Ư phải giữ quyền lãnh đạo thông suốt, thống nhất, nhất quán các biện pháp cụ thể là các tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí, quy trình. Tổ chức thực hiện là cấp tỉnh đến cấp cơ sở nhưng bảo đảm linh hoạt, sáng tạo phù hợp tình hình.
Đối với Hướng dẫn theo Quyết định 4800, Bộ Y tế phải tiếp thu, phải rà soát những cái chưa phù hợp, phải điều chỉnh ngay; địa phương không đặt ra tiêu chí.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết 128 và Hướng dẫn của Bộ Y tế; vừa phải có nhiệm vụ giải pháp y tế, nhiệm vụ giải pháp về phục hồi phát triển kinh tế.