Rừng xanh Yên Bái

NDĐT- Sau nhiều năm kiên trì phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đến nay Yên Bái đã có được độ che phủ rừng đạt gần 60%, là một trong số ít tỉnh của cả nước thành công trong việc trồng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng. Lợi ích của rừng trồng đã tạo ra hàng vạn việc làm và thu nhập ổn định.

Khi rừng có chủ đích thực

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 478.507 ha đất lâm nghiệp, chiếm 69% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất có rừng gần 413.300 ha (rừng tự nhiên 231.554 ha, rừng trồng 181.736 ha). Hầu hết tại các địa phương trong tỉnh, người dân trong tỉnh đã thấy lợi ích của việc trồng rừng, những diện tích đất đồi núi đã dần có chủ đích thực, không còn cảnh hoang hoá như xưa. Khoảng 20 năm về trước, đồi núi vùng hồ Thác Bà do sự khai thác quá mức kiểu 'cha chung không ai khóc', khiến Huyện uỷ Yên Bình phải ra nghị quyết chuyên đề về phát triển về phát triển kinh tế đồi rừng. Với tinh thần đảng viên đi trước, làm gương để quần chúng noi theo, mỗi huyện uỷ viên phải nhận vài ha trên những đảo trọc lốc thuộc hồ Thác Bà để trồng rừng, tạo tiền để cho việc triển khai rộng khắp một nghị quyết đúng đắn. Độ ẩm cao và nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như giống bạch đàn mô, keo tai tượng, keo lai...đã biến vùng hồ Thác Bà thành một vùng hồ xanh rợp cây bóng mát. Người dân hồ hởi nhận đất và trồng rừng theo Dự án 327, các lâm trường làm trung tâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật..Song niềm vui chẳng tày gang, đầu ra của gỗ rừng trồng chủ yếu làm nguyên liệu giấy, nhưng giá thu mua của Công ty Giấy Bãi Bằng thấp, chi phí vận xuất cao, nên người làm rừng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, người làm rừng không thể nuôi sống gia đình họ.

Trong khó khăn ấy, từ năm 2006 tỉnh Yên Bái đã thực hiện rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, làm cơ sở cho việc tổ chức quản lý, sản xuất lâm nghiệp, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010- 2015, định hướng đến năm 2020. Tính đến hết tháng 12- 2009, tỉnh Yên Bái đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp hộ gia đình, cá nhân được 48.179 giấy, với 251.197,64 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đối với các huyện vùng thấp, người dân có điều kiện làm chủ thực sự trên diện tich đất rừng, tích cực tham gia trồng rừng phủ xanh đất đồi trọc, nhiều mô hinh kinh tế trang trại tổng hợp (vườn, ao, chuồng, rừng) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng huyện Trấn Yên, trong gần 47.000 rừng, đã có trên 30.000 ha là rừng trồng các loại như: quế, bồ đề, keo. bạch đàn, tre bát độ...Qua đó, người dân đã liên kết với nhà sản xuất, tìm đầu ra phù hợp từng loại cây trồng, tạo diện mạo mới trong nông nghiệp nông thôn miền núi.

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, chủ tịch UBND huyện cho biết : Đối với đồng bào Mông nơi đây, vấn đề quan trọng nhất là đất sản xuất được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã thành lập Hội đồng giao rừng cấp xã thẩm định 224 hộ dân tại hai xã Bản Mù và Trạm Tấu, trong đó có 219 hộ được UBND huyện quyết định giao rừng với diện tích 231,58 ha. Hiện nay, các bộ phận chức năng tiếp tục triển khai tại xã Túc Đán giao 2.405 ha, xã Làng Nhì 998,8 ha rừng cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Đây là việc làm đúng đắn, hạn chế tối đa việc đốt nương làm rẫy, khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên, bảo vệ sinh thái rừng đầu nguồn một cách bền vững.

Đầu ra cho gỗ rừng trồng

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cho hay, mỗi ha cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn mô trong một chu kỳ 8 năm, sẽ cho sản lượng gỗ trung bình 80 m3, với giá bình quân hiện thời hơn một triệu đồng một khối, thì người làm rừng cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng/ha. Với diện tích đất có rừng trên 400.000 ha, hàng năm cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng gần 200.000 m3 gỗ nguyên liệu và trên 110.000 tấn tre, nứa, vầu dể sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng. Qua công tác thống kê, hiện tại toàn tỉnh có 1.200 cơ sở chế biến gỗ, tre, nứa, vầu. Các sản phẩm chế biến tập trung sản xuất từ gỗ rừng trồng các loại, bao gồm: ván ghép thanh, gỗ xẻ xây dựng cơ bản, ván bó, đũa gỗ...Các sản phẩm chế biến từ tre, nứa, vầu, gồm: giấy đế, giấy vàng mã xuất khẩu, đũa tre, vầu...Doanh thu từ chế biến gỗ rừng trồng đạt trên 496.800 triệu đồng. Qua việc sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 160 nghìn lao động, có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, góp phần vào công tác ổn định dân cư, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân trong vùng.

Thực tế đang đặt ra là, do lợi nhuận cao từ khâu chế biến nên các tổ chức, các hộ tư nhân đua nhau lập xưởng chế biến gỗ rừng trồng không theo qui hoạch; một số cơ sở sản xuất do ít vốn đầu tư, đã vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn chất thải không được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Do sản xuất ồ ạt, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán vùng nguyên liệu, khiến một số chủ rừng vì lợi nhuận trước mắt mà bán 'non' rừng trồng khi chưa đến chu kỳ khai thác, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị trên một đơn vị canh tác vì cây nhỏ, sản lượng gỗ thấp. Chủ xưởng gỗ Đào Văn Lợi, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Toàn xã chúng tôi có 65 cơ sở chế biến gỗ (chủ yếu là gỗ bóc), tạo việc ổn định cho gần 1.000 lao động của xã có thu nhập bình quân từ 1,3 đến 1,7 triệu đồng/tháng. Nhờ có chế biến gỗ mà đời sống bà con được cải thiện rõ nét, con em được đi học, nhiều hộ mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền...Tuy vậy, do phát triển tự phát quá mức nên đường giao thông bị chiếm dụng làm sân phơi ảnh hưởng đến giao thông đường bộ; các xưởng chế biến gỗ đều xử lý rác thải(mùn cưa, đầu mẩu nhỏ, cành ngọn) bằng cách đốt, gây ô nhiễm môi trường; các sản phẩm chế biến đều bán thô nên lợi nhuận đem lại cho người trồng rừng không cao.

Từ nhiều năm nay, Yên Bái được quy hoạch là vùng nguyên liệu giấy cho Tổng công ty giấy Bãi Bằng, hàng năm chiếm trên 50% sản lượng gỗ rừng trồng khai thác. Nhưng với đà tăng diện tích rừng trồng như hiện tại, để tìm đầu ra có hiệu quả cao nhất, tỉnh Yên Bái đã cấp giấy phép đầu tư cho nhà máy sản xuất gỗ MDF, công suất 100.000 m3/năm; tiến hành khởi công nhà máy bột giấy tại khu công nghiệp Minh Quân, công suất 50.000 tấn /năm, do Công ty cổ phần Công nghiệp Giấy miền Bắc làm chủ đầu tư với số vốn trên 1.032 tỷ đồng. Đây thực sự là một hướng đi trúng, đúng, mang lại lợi ích cao cho người làm rừng; gắn sản xuất rừng với chế biến công nghiệp tại chỗ, tạo ra hàng ngàn việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động địa phương miền núi.

Từ chỗ coi rừng là tài nguyên vô tận, chỉ biết lợi dụng khai thác, đến nay người dân Yên Bái đã nhận đất, nhận rừng, quan tâm và hiểu được lợi ích to lớn của rừng về giá trị kinh tế, môi trường do rừng trồng đem lại. Nhiều loài cây trồng qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đã trở thành cây trồng rừng sản xuất chủ lực như: keo, bạch đàn, tre bát độ, quế, bồ đề; các loại cây thông mã vĩ, sa mộc, vối thuốc, sơn tra cho trồng rừng phòng hộ. Qua đó, tại nguyên rừng và đất lâm nghiệp đã được quản lý và khai thác hợp lý hơn, sản xuất lâm nghiệp đã góp phần tích cực trong xoá đói, giảm nghèo và mang lại sự thay đổi về kinh tế, văn hoá, xã hội trong nông nghiệp nông thôn và nông dân của khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng.

Kế hoạch năm 2011, tỉnh trồng mới 15.000 ha rừng các loại. Trong đó, trồng mới 1.600 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng 13.400 ha rừng sản xuất. Khai thác 300.000m3 gỗ các loại; 120.000 tấn tre, nứa vầu; 3.000 tấn vỏ quế khô; 170 tấn nhựa thông.

Có thể bạn quan tâm