Rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Những ngày này, tại các khu dân cư, thôn xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội ngập tràn không khí vui tươi, rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây không chỉ là ngày vui, gắn kết tình đoàn kết, nhân lên tinh thần tương thân, tương ái, mà còn góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng cộng đồng an toàn, lành mạnh, cảnh quan môi trường sạch đẹp, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội trao quà tặng các gia đình tiêu biểu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. (Ảnh: THỦY TIÊN)
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội trao quà tặng các gia đình tiêu biểu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. (Ảnh: THỦY TIÊN)

Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (gọi tắt Ngày hội Đại đoàn kết) trên địa bàn thành phố Hà Nội được tổ chức tập trung từ ngày 1 đến hết ngày 18/11. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đã được triển khai từ trước đó cả tháng với nhiều hoạt động mới, thiết thực.

Đây là năm đầu tiên, Ngày hội Đại đoàn kết được phường Long Biên, quận Long Biên tổ chức với quy mô toàn phường. 12 tổ dân phố sôi nổi tham gia trưng bày các sản phẩm truyền thống địa phương, thi nấu bữa cơm đại đoàn kết và tổ chức liên hoan văn nghệ câu lạc bộ các tổ dân phố.

Đặc biệt, tại ngày hội, cùng với việc tiếp nhận 145 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Mặt trận Tổ quốc quận và phường Long Biên đã trao tặng nhiều phần quà tới các hộ cận nghèo, trong đó có sổ bảo hiểm xã hội và nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe khi về già.

Bà Trần Thị Minh Son, tổ dân phố số 12 phường Long Biên cho biết: Ngày hội Đại đoàn kết năm nay được tổ chức với rất nhiều hoạt động. Để hoàn thành phần thi nấu mâm cơm đại đoàn kết, dù phải chuẩn bị, lên kế hoạch trước đó nhiều ngày, nhưng ai cũng vui và nhiệt tình tham gia.

Với người dân thôn Nại Châu và thôn Mạnh Trữ, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Ngày hội Đại đoàn kết năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Đoàn Thanh niên xã tổ chức cắt băng khánh thành sân chơi cộng đồng tại Nhà Văn hóa thôn Nại Châu. Với diện tích 350m2, sân chơi gồm hai sân cầu lông, một sân bóng chuyền, năm bộ dụng cụ vui chơi thiếu nhi là điểm hẹn mới của người dân nơi đây trong các hoạt động cộng đồng và rèn luyện thể thao.

Còn tại thôn Tân Châu, xã Chu Phan - một trong những địa phương có đường Vành đai 4 chạy qua, nhiều năm qua, nhân dân trong thôn luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đời sống nhân dân trên đà phát triển; số hộ khá và giàu ngày một tăng; số hộ có nhà ở kiên cố đạt hơn 80%; thôn không có hộ nghèo, tổng thu nhập bình quân của người dân hiện nay ước đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Trong Ngày hội Đại đoàn kết, các đại biểu và nhân dân của thôn vẫn không quên bàn về dự án chiến lược quan trọng của thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Mê Linh nói riêng.

Để phục vụ dự án đường Vành đai 4, toàn thôn có 10,4ha cần thu hồi; 20 ngôi mộ phải di dời. Đến dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với bà con, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Chu Phan quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt cho thôn Tân Châu vì đây là thôn có nhiều diện tích đất cần thu hồi để thi công dự án đường Vành đai 4.

Nhân dịp này, lãnh đạo huyện mong muốn người dân trong thôn nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho hộ dân bị thu hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được triển khai đúng tiến độ.

Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết được các khu dân cư, tổ dân phố, liên khu phố, thôn, xóm tổ chức rộng rãi với nhiều hoạt động ý nghĩa với hai phần lễ và hội. Đáng chú ý, trong phần hội, mặt trận các cấp đã linh hoạt sáng tạo, nâng tầm các hoạt động, tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi trong nhân dân.

Cùng với các hoạt động thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương; các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, nhiều địa phương đã triển khai cắt băng khánh thành các sân chơi, trao nhà đại đoàn kết, tổ chức các gian hàng giới thiệu đặc sản của địa phương và nhiều vùng, miền trong cả nước, tổ chức các phiên chợ quê để người dân ghé thăm, vui chơi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trải qua 20 năm, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.

Ngày hội Đại đoàn kết năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước đang bước vào giai đoạn hồi phục, phát triển kinh tế, nhân dân phấn khởi trước sự ổn định và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nhân dịp này, đồng chí Trần Sỹ Thanh mong muốn toàn thể nhân dân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh”.

Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác Mặt trận, chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc các cấp hoạt động hiệu quả hơn nữa nhằm huy động mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển Thủ đô bền vững.