Rộn ràng Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ

Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra vào dịp rằm tháng tám hằng năm. Chúng tôi đến tham dự vào đúng ngày đầu tiên của lễ hội; nhiều hoạt động văn hóa-thể thao diễn ra đã làm “nóng” không khí lễ hội dân gian duy nhất của thành phố mang tên Bác.
0:00 / 0:00
0:00
Thả diều tại Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ 2023.
Thả diều tại Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ 2023.

Ở khu vực thả diều nghệ thuật, một hoạt động thường niên của lễ hội, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thanh Vân đang thả những con diều sặc sỡ sắc mầu lên bầu trời. Là nghệ nhân làm diều, sau hai năm nghỉ vì dịch Covid-19, ông Vân mới quay lại với Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ năm 2023. “Tôi đã tham gia lễ hội này gần 20 năm rồi. Chỉ có hai năm dịch Covid-19 hoành hành nên không tham gia. Năm nay quay lại lễ hội, tôi phấn khởi lắm” - Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân chia sẻ. Ông cho biết thêm, để phục vụ nhu cầu thưởng thức của bà con Cần Giờ, ông cùng các học trò mang đến lễ hội hơn 100 con diều.

Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ là một trong những hoạt động thu hút đông đảo người dân thị trấn Cần Thạnh và du khách tham gia. Không chỉ xem những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mọi người còn được thưởng thức đờn ca tài tử, ca cổ qua sự thể hiện của các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng.

Anh Phạm Thái Bình, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ là trung tâm tổ chức các nhóm đờn ca tài tử về phục vụ bà con tham gia lễ hội. Dù di chuyển xa xôi, nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân đều háo hức tham gia với mong muốn phục vụ người dân những tiết mục hay nhất, góp phần tạo nên sắc màu đa dạng cho lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc, khu phố Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh cho hay, mỗi năm cứ đến Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ là gia đình ông lại ra công viên Cần Thạnh để xem chương trình nghệ thuật, thưởng thức đờn ca tài tử và xem các gian hàng triển lãm. “Mỗi năm, lễ hội lại sôi động hơn, đông người tham dự hơn khiến bà con rất tự hào, phấn khởi” - Ông Nguyễn Văn Phúc nhận xét.

Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ là một trong những hoạt động tiêu biểu hằng năm của thành phố. Năm nay, đặc biệt hơn, khi lễ hội kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển, 10 năm lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Do vậy, lễ hội năm nay được tổ chức gắn với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, giải trí lành mạnh, tạo không khí phấn khởi, qua đó xây dựng tinh thần hiếu khách; xây dựng tác phong văn minh đô thị, văn minh thương nghiệp, phục vụ du khách, góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Cần Giờ ngày càng tốt hơn.

Ông Dương Anh Ðức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài những hoạt động lễ chính như Lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác Cần Giờ; Lễ Thượng đại kỳ lễ hội; Lễ Mừng công ngư dân Cần Giờ; Ðêm hội Trăng rằm; tổ chức đoàn thuyền hoa đăng; thả đèn trên biển; Lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh về Lăng Ông Thủy tướng,… Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ năm nay có thêm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra xuyên suốt trong 3 ngày.

Người dân địa phương thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động như biểu diễn Lân Sư Rồng, võ thuật; giải Ðua xe đạp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Giải Vô địch bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm 2023; giải trò chơi vận động bãi biển thành phố, giải Ðiền kinh bãi biển; giải bi sắt; Giải Việt dã Hội khỏe Phù Ðổng huyện Cần Giờ năm học 2023-2024; Giải đua xuồng chèo; Giải đua cà kheo...

Nhiều hoạt động dành cho các em nhỏ cũng được Ban Tổ chức đưa vào lễ hội, giúp các em có được những giây phút vừa chơi, vừa học thú vị. Anh Ðỗ Văn Lương, cán bộ Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ðơn vị đã triển khai hoạt động “Thư viện di động” để mang sách đến cho các em nhỏ, tạo điều kiện cho các em vẽ tranh và tiếp cận kiến thức khoa học bổ ích. “Khu vực Thư viện di động trong các ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Ông lúc nào cũng đông học sinh. Nhìn các em thích thú với việc làm những ô kính vạn hoa, những chiếc chong chóng, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - Anh Ðỗ Văn Lương chia sẻ.

Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ năm nay đã khép lại, nhưng tiếp tục khẳng định sức sống của một lễ hội mang tín ngưỡng dân gian đã tồn tại trong đời sống người dân vùng biển Cần Giờ hơn 100 năm qua. Người làm nghề biển ở đây không còn nhiều như trước, nhưng với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân qua bao thế hệ, tinh thần cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, lễ hội này mãi là một nét văn hóa đặc sắc của người dân thành phố mang tên Bác.