Rối loạn thần kinh thực vật: Những triệu chứng cần đi khám
Chị Kiều Thị T. (Hà Đông, Hà Nội) khỏi Covid-19 được 20 ngày nhưng cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi. Dù lên cầu thang không bị hụt hơi, nhưng chị thường xuyên bị chóng mặt, phải đi nằm sau khi lên tầng. Chân tay có cảm giác yếu, bủn rủn và đổ mồ hôi, nhất là về đêm. “Có những hôm tỉnh dậy tôi thấy ướt sũng gối và áo vì mồ hôi”. Những triệu chứng ấy khiến chị suy nghĩ nhiều, lo lắng, tim đập nhanh hơn.
Anh Đào Quang H. (TP Hồ Chí Minh) đã trải qua giai đoạn Covid-19 khá nhẹ nhàng từ 1,5 tháng trước, nhưng hậu Covid-19 gây ra cho anh những trạng thái rất khó chịu, kể cả lúc ngủ. “Nhịp tim tôi lúc nhanh, lúc chậm. Có lúc người ớn lạnh như trúng gió, đổ mồ hôi, tay chân lạnh. Toàn bộ cơ thể mệt mỏi, vai gáy luôn cứng và đau âm ỉ”, anh H. kể. Bạn của anh, vì lo lắng đã đi khám hậu Covid-19 tới 3 lần, tinh thần bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật.
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, hệ thống thần kinh tự động điều phối hoạt động thần kinh. Hệ thần kinh thực vật liên quan sự co bóp của tim, phổi, tuyến mồ hôi và khi hệ thống kiểm soát này hoạt động chưa đúng sẽ gây ra mất kiểm soát các bệnh lý về tiêu hóa, tim mạch.
Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa,... gây ra các tình trạng hồi hộp đánh trống ngực, có cơn tim nhịp nhanh hoặc bệnh nhân toát mồ hôi lạnh ra.
Ngoài ra, một triệu chứng nữa cũng rất cần lưu ý đó là tình trạng tụt huyết áp, đặc biệt khi đang nằm ngồi dậy có tình trạng chóng mặt, mệt mỏi. “Với các trường hợp này, chúng tôi sẽ khám và đo huyết áp ở các tư thế khác nhau để xem biểu hiện có mắc bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật không. Khi rối loạn tụt huyết áp nghiêm trọng cần đi khám”, bác sĩ Tiến nói.
Đây là bệnh ngày càng phổ biến, tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt. Triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện ngay trong quá trình người bệnh đang điều trị Covid-19. Tình trạng này có thể kéo dài và diễn tiến phức tạp sau khi F0 âm tính.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, trong số hơn 1.500 bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật khoảng 10%-15%.
Do đó, bác sĩ Tiến khuyến cáo, những trường hợp nào gặp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật khá nhiều, gây triệu chứng cơ năng, tụt huyết áp, đánh trống ngực nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống thì nên đi khám phải đi khám sớm, tìm liệu pháp điều trị chuyên sâu.
Người có bệnh lý nền như các bệnh tim mạch, mãn tính từ trước trên nền đái tháo đường, thần kinh nên đi khám sớm.
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách điều trị triệu chứng tại nhà, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ thần kinh và các phương pháp liên quan tình trạng trầm cảm, lo âu sau Covid-19 đặc biệt rối loại giấc ngủ, nhịp sinh học sau Covid-19.
Sương mù não sau nhiễm Covid-19
Mệt mỏi kéo dài, đầu óc không tỉnh táo, thèm ngủ triền miên, hay lo nghĩ, hoảng sợ là triệu chứng điển hình của nhiều người từng nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, đây là triệu chứng sương mù não.
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, triệu chứng điển hình của sương mù não là giảm tập trung, giảm chú ý, ảnh hưởng trí nhớ, tư duy logic không được như trước kia. Có người hay quên, lơ mơ, thậm chí có một số người thường xuyên rơi vào trạng thái buồn ngủ sau Covid-19.
“Sương mù não là một bệnh lý mới đang được thế giới nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân tới bệnh viện khám mô tả triệu chứng cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đầu óc choáng váng, giảm chú ý, giảm tập trung và ảnh hưởng đến chức năng thần kinh cao cấp về chức năng tư duy và trí nhớ thì các bác sĩ sẽ nhận định đó là sương mù não”, bác sĩ Tiến nói.
Theo bác sĩ Tiến, một số nguyên nhân gây ra hiện tượng sương mù não là viêm hệ thống thần kinh, kể cả người nhiễm Covid-19 nhẹ.
“Các nhà nghiên cứu nghi ngờ cơ thế virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào não vào mô thần kinh gây viêm ở tế bào thần kinh, làm thay đổi tính thấm của màng não tủy. Những chất này trước đây đáng nhẽ không xâm nhập được vào hệ thống thần kinh thì giờ lại khác. Kèm theo triệu chứng mệt mỏi sau Covid-19, rối loạn lo âu lo lắng sau Covid-19, rối loạn giấc ngủ gây sương mù não”, bác sĩ Tiến cho hay.
Rất nhiều người sau nhiễm Covid-19 bị luẩn quẩn tổn thương thực thể, viêm hệ thống thần kinh, rối loạn giấc ngủ Covid-19.
Tỷ lệ bệnh nhân mắc triệu chứng này chiếm tới 40% số bệnh nhân tới khám, nhưng chủ yếu ở mức độ nhẹ. Cũng có trường hợp bị viêm hệ thống thần kinh não tủy.
Bởi vậy, nếu người bệnh có ảnh hưởng rõ rệt về trí nhớ, thay đổi tính cách nhất là trẻ em bị rối loạn tính cách tính tình, phải đến chuyên gia thần kinh và tâm lý để điều trị thêm.
Để điều trị sương mù não, theo bác sĩ Tiến, cần chú ý điều trị các triệu chứng. Thí dụ bị rối loạn giấc ngủ, cần phải “vệ sinh giấc ngủ” tức là dọn dẹp phòng ngủ tạo điều kiện giấc ngủ tốt, chỉnh ánh sáng trong phòng, không tiếp xúc điện thoại trước 2 tiếng, không uống cà-phê, chuẩn bị giấc ngủ tốt nhất, bảo đảm nhịp sinh học… những triệu chứng sương mù não kết thúc nhanh hơn.
Ngoài ra, người bệnh có thể tham gia các bài tập được thiết kế làm hàng ngày cải thiện chức năng tư duy.
“Hiện nhiều loại thuốc đang được đưa vào thử nghiệm, hướng dẫn chung điều trị chưa có. Về mặt điều trị chỉ dừng lại ở lời khuyên của chuyên gia, sử dụng các thuốc tăng chuyển hóa tế bào thần kinh đệm để đẩy nhanh quá trình hồi phục”, bác sĩ Tiến nói.