Quy mô lớn cho giả thiết về một khu trị sở cấp cao
Xã Gia Thủy (thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình) là vùng đất trũng, được bao bọc bởi sông Bôi ở phía đông và sông Đập ở phía tây. Dân cư khu vực này sống trên các gò, mô đất cao, chung quanh là các đầm, ao, ruộng trũng ngập nước. Khi chưa có đê Hoàng Long, mùa lũ nước đổ về gây ngập lụt nhưng rút nhanh, đồng ruộng được bồi đắp phù sa, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.
Từ năm 2002, ở thôn Mỹ Hạ (xã Gia Thủy) đã phát hiện dấu hiệu di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ. Cuối tháng 12-2019, một kiến trúc gạch cổ lại được phát hiện khi đào móng xây dựng phòng học trong khuôn viên trường tiểu học xã Gia Thủy. Từ đây, xuất hiện những lời đồn đoán trong nhân dân địa phương cho rằng, khu vực này có mộ vua Đinh Tiên Hoàng (!).
Tháng 2-2020, Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ gạch đó, nghiên cứu, xử lý và công bố kết quả nghiên cứu để loại trừ những tin đồn gây hoang mang dư luận. Các nhà khảo cổ học đã xác định đây là một ngôi mộ gạch có niên đại thế kỷ 3 sau Công nguyên. Mộ đã nhiều lần bị xâm phạm nhưng vẫn tìm thấy trong mộ nhiều hiện vật tùy táng như: gương đồng, chậu đồng, hạt cườm bằng vàng, bằng đá ngọc và nhiều đồ gốm men, đồ sành. Sau khi khai quật, những hiện vật đã được chuyển về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình.
Trong tháng 8-2020, tại khuôn viên Trường tiểu học Gia Thủy, các nhà khoa học đã thăm dò, khai quật khảo cổ học với tổng diện tích 130 m2, phát hiện một ngôi mộ gạch có quy mô khá lớn: chiều dài 8,46m, gồm ba gian, chiều rộng lớn nhất là 3,5m. Đã tìm thấy nhiều đồ tùy táng trong mộ gồm gương đồng, hạt chuỗi, đồ đá trang sức và nhiều đồ gia dụng làm từ gốm men, đồ sành. Đặc biệt, nhóm đồ gốm men trong mộ hầu hết đều là những bản mô phỏng của các loại đồ đồng thời Đông Hán (Trung Quốc) như thống có nắp đậy, bình tỳ bà, tô có chân cao, chén hình bầu dục có tai (nhĩ bôi)... Cấu trúc xây dựng mộ gạch với nhiều phòng (thất) mang phong cách mộ táng của tầng lớp quan lại quý tộc thời Bắc thuộc; gạch xây mộ có các đồ án hoa văn trang trí ô trám đơn, ô trám lồng, xương cá, đồng tiền... cùng đồ tùy táng mang ảnh hưởng của nhóm đồ đồng giai đoạn Đông Hán,... cho phép sơ bộ nhận định ngôi mộ có niên đại thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên. Đây cũng là ngôi mộ có kích thước lớn và có bộ hiện vật tùy táng gốm sứ đầy đủ nhất được phát hiện ở Ninh Bình từ trước đến nay.
Ngôi mộ gạch phát hiện tại trường tiểu học Gia Thủy có hình dạng, quy mô và cấu trúc tương tự những ngôi mộ gạch đã được tìm thấy ở Thuận Thành (Bắc Ninh), Quảng Yên (Quảng Ninh), Quốc Oai (Hà Nội), Kim Thành (Hải Dương) - là nơi có những trị sở lớn của chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc. Dựa vào quy mô xây dựng to lớn và lượng đồ tùy táng phong phú, có thể dự đoán chủ nhân của ngôi mộ này là quan lại cấp cao trong xã hội đương thời.
Ngoài hai ngôi mộ gạch đã được khai quật trong tháng 2 và tháng 8-2020, người dân ở khu vực này còn cung cấp thông tin cho biết còn nhiều ngôi mộ gạch khác, cho phép nhận định trên địa bàn các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan) và Liên Sơn (Gia Viễn) đã tồn tại một hệ thống mộ gạch có niên đại những thế kỷ đầu Công nguyên, có thể đặt ra giả thiết rằng thời Bắc thuộc ở vùng Ninh Bình ngày nay đã từng có một trị sở quy mô, với những quan lại cấp cao.
Nhiều liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và thời kỳ “tiền Hoa Lư”
Một hố khai quật khảo cổ học diện tích 120m² tại đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy) thờ Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc thờ tự có quy mô khá lớn. Bên cạnh việc khai quật nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học còn tiến hành điều tra điền dã để thu thập tư liệu lịch sử văn hóa - nhân học - Hán Nôm tại tại sáu xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan), Gia Hưng và Liên Sơn (Gia Viễn). Những kết quả điều tra đã ghi nhận những chứng tích lịch sử và văn hóa dân gian liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và nhà Đinh.
Đây là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều liên quan tới quê hương, thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh và sau này còn là căn cứ quân sự, có quan hệ mật thiết với kinh đô Hoa Lư. Ở đây còn nhiều dấu tích, địa danh gắn với các sự tích truyền thuyết liên quan đến thân thế và hành trạng lúc thiếu thời của vua Đinh Tiên Hoàng như: miếu Long Viên, giếng Ngọc, đền Cầu Mổ, đình Mỹ Hạ, đồi Họ, nội Cầu, nội Rốn Chiêng, nội Chòi, nội Nắm Cơm, nội Bàn Cờ, bến Ngự Dội, đồng Quân, vườn Kiệu, rừng Am…
Các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện nhiều nhất ở Gia Thủy (sáu điểm) và lan dần theo hướng về phía hạ lưu sông Bôi. Dấu ấn của Nho, Phật, Đạo hòa cùng tín ngưỡng dân gian của cư dân địa phương qua việc thờ tự ở các di tích đình, đền, chùa, miếu thể hiện rõ sự hỗn dung văn hóa tại khu vực này.
Những kết quả nghiên cứu đã góp phần làm rõ hơn những đường nét lịch sử - văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Gia Thủy trong vùng tam giác Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư trong thời kỳ “tiền Hoa Lư” - khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Các di tích đã thăm dò khai quật tại xã Gia Thủy đang đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai, trước mắt cần khoanh vùng, bảo tồn để tránh tình trạng bị xâm hại bởi quá trình xây dựng các công trình dân dụng của người dân hoặc nạn đào trộm cổ vật.