Có mặt tại Ngày hội việc làm “VLU’s Job Fair” năm 2023 từ rất sớm, Nguyễn Mai Anh (sinh viên Trường đại học Văn Lang) cảm thấy bất ngờ về mức độ hoành tráng của chương trình. Với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trên cả nước, ngày hội cung cấp khoảng 8.000 vị trí việc làm, thực tập cho sinh viên.
Tại các gian hàng đặt ngay khuôn viên trường, Mai Anh cùng bạn bè được nghe đại diện nhiều doanh nghiệp giới thiệu về các ngành nghề chiếm ưu thế, các xu hướng tuyển dụng trong giai đoạn tới và học cách hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc ấn tượng trước nhà tuyển dụng.
Ngày hội còn bao gồm hai chương trình tọa đàm thiết thực, nơi đại diện các doanh nghiệp uy tín, các chuyên gia chia sẻ góc nhìn về nhân sự trẻ, đưa ra lời khuyên cụ thể giúp các bạn sinh viên có sự chuẩn bị chu đáo hơn cho hành trình nghề nghiệp trong tương lai. Theo số liệu thống kê từ ban tổ chức, ngày hội đã thu hút hơn 7.000 lượt sinh viên tham gia tương tác.
Thông qua các hoạt động, sinh viên được tư vấn, giải đáp thắc mắc và định hướng việc làm phù hợp với khả năng, nhu cầu. “VLU’s Job Fair” năm 2023 là sự kiện mở đầu cho chuỗi chương trình “Phỏng vấn-Tuyển dụng” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tổ chức nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trước khi tiếp cận thị trường lao động.
Triển khai từ năm 1999, đến nay, chương trình về phỏng vấn-tuyển dụng cho người trẻ của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi trong nội dung cũng như cách thức tổ chức. Từ việc tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần tại các địa điểm công cộng, hiện nay, nhiều ngày hội đã được đưa về tận trường phục vụ sinh viên.
Khi đưa về cơ sở, nội dung ngày hội tại mỗi điểm sẽ được thiết kế riêng sao cho phù hợp đặc thù ngành nghề của các trường, mang lại hiệu quả thiết thực nhất đối với sinh viên. “Không cần phải đi đâu, em cùng các bạn cũng được tìm hiểu rất kỹ nhu cầu của thị trường lao động và tìm kiếm những vị trí việc làm phù hợp do doanh nghiệp giới thiệu. Các tọa đàm, chương trình giao lưu, tư vấn trực tiếp giúp tụi em hình dung rõ hơn về công việc sau tốt nghiệp để có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ bây giờ”, Mai Anh phấn khởi cho hay.
Theo ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, sở dĩ đơn vị này quyết tâm đưa chương trình liên quan đến phỏng vấn-tuyển dụng về các trường là nhằm mục đích tạo thêm cơ hội tương tác, cọ xát, trải nghiệm cho sinh viên. Việc chuyển giao mô hình cho các trường không chỉ giúp sinh viên tiếp cận tốt hơn mà còn tạo điều kiện để từng trường chủ động thiết kế nội dung tương tác sâu sát, phù hợp thực tế, nguyện vọng của đông đảo sinh viên.
Đây cũng là cơ hội để các trường tiếp cận, kết nối với hệ thống doanh nghiệp cho nhiều hoạt động hỗ trợ người học về sau. Đến nay, các hoạt động nổi bật của trung tâm đều được ưu tiên đưa về tổ chức trực tiếp tại các trường, giúp nhiều học sinh, sinh viên được thụ hưởng các giá trị thiết thực. Lắng nghe nhu cầu của học sinh, sinh viên, tìm giải pháp từ các chuyên gia, tổ chức rồi quay lại trường tổ chức hoạt động hỗ trợ phù hợp là hướng đi mà trung tâm này ưu tiên để các hoạt động bám sát nhu cầu người thụ hưởng.
Ngoài chuỗi chương trình “Phỏng vấn-Tuyển dụng”, thời gian qua, trung tâm này còn tích cực đưa hoạt động “Trang bị kỹ năng thực hành xã hội” và “Hành trang tân sinh viên” đến các trường đại học, cao đẳng thông qua hình thức tập huấn trực tiếp và trực tuyến để tạo mạng lưới kết nối, lắng nghe sinh viên nhằm có cách hỗ trợ linh hoạt nhất.
Tại hệ thống trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, hàng trăm nghìn học sinh cũng đã được tiếp cận các chương trình hỗ trợ rèn kỹ năng, bổ sung kiến thức xã hội từ trung tâm này. Trong đó, “Bác sĩ học đường”, “Văn hóa giao thông”, “Ứng xử mạng xã hội”, “Tư vấn hướng nghiệp” là những chương trình tạo được dấu ấn tại cơ sở khi có nhiều tác động tích cực. Ngay cả hoạt động vừa mới triển khai được năm chương trình như “Giờ trải nghiệm công nghệ” cũng đã tạo được hiệu ứng tích cực khi đáp ứng đúng nhu cầu tiếp cận cái mới của hơn 3.000 học sinh.
Tính đến nay, chương trình “Bác sĩ học đường” đã tiếp cận được gần 36.000 học sinh với những kết quả khả quan bước đầu. Không chỉ được hỗ trợ kiến thức chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì, sức khỏe mùa thi, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe theo mùa, học sinh nhiều trường còn được bác sĩ của chương trình tư vấn cách chăm sóc hậu Covid-19 và phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
“Bác sĩ học đường” là một trong những chuyên đề được Trung tâm Giáo dục phổ thông thuộc Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả nhờ sự kết nối từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên. “Thông qua nhiều hình thức thể hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các em học sinh vì nhiều lý do như đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp, nhiệt tình; nội dung liên tục cập nhật theo hướng gần gũi và thu hút giới trẻ.
Đây là kênh đồng hành rất cần thiết cho các em học sinh vì có nhiều kiến thức, nội dung bổ ích”, chị Bùi Minh Nhật Uyên, đại diện Trung tâm Giáo dục phổ thông thuộc Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.