R.Carmen quay phim ngày Hà Nội giải phóng

Trung đoàn Thủ đô vào tiếp quản<br>Hà Nội ngày 10-10-1954.
Trung đoàn Thủ đô vào tiếp quản<br>Hà Nội ngày 10-10-1954.

Trước khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô chừng một tháng, những chiến sĩ công an hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội nhận được lệnh chuẩn bị cơ sở đón ba đồng chí Liên Xô vào quay cảnh bọn lính xâm lược Pháp rút quân và cảnh Thủ đô giải phóng.

Theo kế hoạch, những chiến sĩ công an quyết định để các đồng chí Liên Xô vào thành phố bằng đường công khai trong vai khách du lịch người Âu. Bởi không thể hóa trang các đồng chí ấy thành người Việt được, đồng thời các đồng chí công an cũng muốn để các đồng chí Liên Xô quan sát thành phố ngay từ những ngày đầu tiên.

Đúng giờ hẹn, công an của ta tới làng Vĩnh Tuy đón bạn. Trong ba đồng chí Liên Xô có một người nói được tiếng Pháp, đó là đạo diễn Roman Carmen sang giúp chúng ta làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi. Hai đồng chí khác là Vladimir Esuril và Evgheni Mukhil. Đạo diễn Carmen vui vẻ nói: “Tôi rất tự hào được coi mình như là “cán bộ Việt Minh vào thủ đô Hà Nội hoạt động bí mật. Đi đêm, lội hào, lội ruộng khiến chúng tôi nhớ lại những ngày hoạt động du kích chống phát-xít Đức”.

Đồng chí công anh nói với Carmen: “Được biết các đồng chí cần quay cảnh Pháp rút quân, đặc biệt là cảnh những tên lính Pháp xâm lược cuối cùng rút qua cầu Long Biên, đồng thời cũng cần quay cảnh nhân dân Thủ đô tưng bừng đón chào bộ đội tiến vào giải phóng, chúng tôi đã chọn được địa điểm thích hợp, đề nghị các đồng chí cho người về địa điểm đó”. Đạo diễn Carmen nói: “Tôi sẽ ở địa điểm đầu cầu, còn hai đồng chí này sẽ ở trong phố…Cảm ơn các đồng chí”.

Ô-tô đưa đạo diễn Carmen chạy vòng vèo qua vài phố rồi rẽ vào phố Hàng Đậu. Xe đỗ, đạo diễn Carmen bước xuống, đàng hoàng xách va ly vào. Chọn cơ sở này, các đồng chí công an đã phải suy tính khá nhiều. Điều kiện chọn địa điểm làm việc cho các đồng chí Liên Xô yêu cầu phải đảm bảo bí mật, an toàn, thuận tiện tối đa cho công việc trong điều kiện bí mật và đảm bảo sinh hoạt bình thường về ăn ở.

Ngôi nhà đạo diễn Carmen chọn nằm ngay góc phố, một mặt quay ra phố Hàng Đậu. Đây như “cái ngõ” của quân đội Pháp từ các tỉnh phía bắc về Hà Nội và từ Hà Nội ra đi. Còn mặt kia nhìn lên đê  sông Hồng và suốt cả dọc cầu Long Biên.

Lo chỗ cho Carmen yên ổn xong, các đồng chí công an tiếp tục lo cho hai đồng chí Esuril và Mukhil ở cơ sở phố Hàng Giấy. Phố này đông dân, có thể quay được những cảnh chuẩn bị cờ, hoa, cổng chào chờ đón ngày bộ đội vào giải phóng.

Ngày 10-10 mặc dù bộ đội ta tiến vào thành phố theo nhiều hướng, nhưng tất cả sẽ tập trung ở Bờ Hồ, tiến vào Hàng Đào, Hàng Ngang rồi qua phố Hàng Giấy tới khu vườn hoa Cột Cờ làm lễ chào cờ. Đây gần cửa Bắc thành Hà Nội, bọn lính Pháp tập trung thường gây cảnh nhốn nháo, lộn xộn. Các đồng chí quay phim Liên Xô muốn quay được những cảnh hỗn loạn này của bọn viễn chinh.

Những thước phim quý giá đó, Carmen đã dựng trong bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi. Mỗi khi nhắc tới bộ phim này, đạo diễn Carmen không quên nhắc tới những ngày quay phim ở Hà Nội về cuộc rút lui của quân đội lê dương Pháp rút khỏi Hà Nội và việc bộ đội anh hùng Việt Nam tiếp quản Thủ đô giải phóng.

Quân đội nhân dân