Nhà bà ở thị trấn Vouvray, giáp thành phố Tours, miền trung nước Pháp. Ngôi nhà nhỏ xây kiểu biệt thự tựa lưng vào quả đồi thoai thoải. Chung quanh nhà, những luống hoa đang trổ bông đủ mầu sắc. Phía trước nhà là hàng rào cây thấp đều chằn chặn. Nom thanh bình và yên ả lắm.
Nghe tiếng chuông, bà Raymonde Dien ra mở cửa. Trước mắt tôi, là một phụ nữ cởi mở và đôn hậu. Đã ngoài bảy mươi tuổi, bà Raymon Dien còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Bà chào:
- Mời các bạn vào nhà.
Tôi tranh thủ lấy máy ảnh chụp cảnh Raymonde Dien đứng trước ngôi nhà. Bà cười rất tươi, hồ hởi:
- Các bạn đi đường có mệt không ?
Rồi không đợi câu trả lời, Raymonde Dien kéo chúng tôi vào nhà. Bà pha trà Thái Nguyên, món quà quý của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng bà, mời khách. Cầm chén nước nóng hổi, bà cười:
- Năm ngoái, vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cũng được mời sang Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm. Đất nước các bạn phát triển nhanh quá. Thật là mừng.
Raymonde Dien và tấm ảnh |
Bà vào đầu câu chuyện thật tự nhiên khiến không khí sôi nổi hẳn. Chiêu thêm đợt nước mới rót mời khách, bà bắt đầu kể:
- Tôi căm ghét chiến tranh từ nhỏ. Gia đình tôi đã hứng chịu những cảnh bất hạnh của chiến tranh gây ra. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, bố tôi là tù binh trong trại của phát-xít Đức. Một người chị của chồng tôi cũng bị bắt vào trại của phát-xít Đức nhưng may mắn trở về được. Một người thân bên gia đình chồng bị Đức quốc xã bắn chết ở đồi Valeriel lúc mới 24 tuổi. Ông nội tôi bị bọn Đức bắt ngửi chất độc trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Lúc chết, ông vô cùng đau đớn. Được nghe kể, được tận mắt chứng kiến những cảnh tượng ấy, khiến tôi luôn tâm niệm rằng phải làm điều gì đó để chấm dứt chiến tranh, bởi chiến tranh là đau thương, mất mát, khổ cực vô bờ.
Nhận thức sâu sắc điều đó, năm 1947, khi 18 tuổi, Raymonde Dien đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người cộng sản Pháp. “Trở thành đảng viên cộng sản, ước nguyện lớn nhất của tôi lúc tuổi thơ đã thành sự thật”, bà Raymonde Dien nhớ lại. “Vì đứng trong hàng ngũ đảng, tôi có cơ hội đấu tranh cho hoà bình hơn bao giờ hết. Đảng Cộng sản phấn đấu vì hoà bình, hạnh phúc của các dân tộc trên toàn thế giới. Điều đó khiến tôi rất tự hào”.
Công việc đầu tiên của Raymonde Dien trong cuộc đời hoạt động của một nữ đảng viên cộng sản Pháp là làm văn thư và giao liên trong đảng bộ ở thành phố Tours.
Sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Raymonde Dien làm thay đổi hẳn cuộc đời bà là vào đầu năm 1950. Vào đầu giờ chiều ngày 23-2, được tin có một đoàn tàu chở vũ khí sang chiến trường Đông Dương sắp đi qua nhà ga Tours, đảng ủy đảng bộ thành phố Tours liền thông báo gấp cho các đảng viên, các quần chúng ưu tú ra ga biểu tình.
Như hiểu lòng chúng tôi, Raymonde Dien đề nghị ra sân ga nơi bà đi vào lịch sử để nói chuyện trực tiếp cho có không khí. Chúng tôi vượt qua cầu bắc qua sông Loi đi dọc theo bờ sông tới nhà ga. Tới con phố mang tên 23-2-1950, chúng tôi dừng lại. Raymonde Dien rảo bước tới bên đường ray nhà ga. Bà bồi hồi đứng lặng hồi lâu. Những kỷ niệm xưa thật đẹp thẳm sâu trong ký ức cứ trôi về, miên man, bất tận...
Được tin báo, Raymonde Dien cùng các đồng chí trong văn phòng nhanh chóng ra ga. Trên sân ga lúc này có khá đông người tham gia biểu tình. Băng-rôn, biểu ngữ phản đối chiến tranh của Pháp ở Đông Dương giương khắp sân ga. Tiếng hô đả đảo chiến tranh vang dậy. Cùng trong đoàn người biểu tình, Raymonde Dien tràn đầy xúc động.
Ít phút sau, đoàn tàu chở vũ khí sầm sập lao đến. Theo lịch trình, đoàn tàu chở vũ khí sẽ đi qua nhà ga Tours tới bến cảng để chuyển vũ khí lên tàu thuỷ đưa sang chiến trường Đông Dương. Mặc cho tiếng hô đả đảo vang lên, những biểu ngữ vẫy liên hồi, con tàu - khối sắt đen sì - vẫn lạnh lùng trườn qua sân ga. Chỉ chút nữa thôi, cả khối sắt huỷ diệt ấy sẽ vượt qua những người biểu tình và những vũ khí trên tàu sẽ được đưa sang Đông Dương để giết hại hàng nghìn, hàng vạn người dân vô tội. Bỗng, có bóng một người con gái lao xuống đường ray nằm chắn ngang trước mũi tàu. Quá bất ngờ trước hành động quả cảm anh hùng ấy, người lái tàu phải dùng phanh khẩn cấp. Khi tàu dừng lại, mũi tàu chỉ cách thân người con gái có vài gang tay. Người con gái dám lấy tấm thân mình chặn đoàn tàu huỷ diệt ấy trên sân ga Tours buổi chiều ngày 23-2-1950 chính là đảng viên cộng sản Pháp Raymonde Dien. Khi ấy, Raymonde Dien mới chưa đầy 21 tuổi.
Đoàn tàu dừng lại bất ngờ trở thành cơ hội quý để cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nổ ra thật sôi động và hào hùng. Những người có mặt trên sân ga hô vang những khẩu hiệu chống chiến tranh. Cờ, biểu ngữ rực sáng. Vậy là đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương không thể đến điểm giao hàng đúng hẹn. Âm ưu giết người của thực dân Pháp đã bị chặn lại bởi người con gái quả cảm Raymonde Dien.
Hành động anh hùng của cô gái Raymonde Dien làm chính quyền thực dân tức tối, lồng lộn. Ngay sau giờ làm việc buổi chiều, Raymonde Dien bị cảnh sát bắt đi. Chúng dùng mọi biện pháp tra khảo, hòng tìm ra người chủ mưu của những hoạt động chống chiến tranh rầm rộ như vậy. Trước sau như một, chúng chỉ nhận được lời nói duy nhất từ cô gái trẻ: “Đó là hành động chống chiến tranh do chính tôi nghĩ ra chứ không có ai xúi bảo gì hết. Tôi làm việc đó vì tôi chán ghét chiến tranh. Tôi không muốn thấy máu tiếp tục đổ thêm nữa. Tôi mong muốn hoà bình.”
Vào ngày 1-6-1950, sau hơn ba tháng bị tra khảo, với đủ mọi hình thức hỏi cung, hăm doạ, đến dụ dỗ không làm người nữ đảng viên cộng sản Pháp trẻ tuổi run sợ, toà án xét xử Raymonde Dien tiến hành tại thành phố Bordeaux. Raymonde Dien bị kết tội “vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia”, bị phạt tù một năm và bị giam ở nhà tù Bordeaux.
Bất bình trước bản án vô lý dành cho người con gái đã dũng cảm không tiếc thân mình để bảo vệ hoà bình ấy, các cuộc biểu tình ủng hộ Raymonde Dien nổ ra khắp nước Pháp. Đảng Cộng sản Pháp tổ chức các cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn và thu hút thêm rất nhiều quần chúng nhân dân. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania, ở Cuba, Việt Nam viết rất nhiều thư, gửi quà động viên Raymonde Dien. Chính những bức thư, món quà đầy ý nghĩa đó giúp Raymonde Dien có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn trong tù.
Ảnh hưởng của cuộc đấu tranh bền bỉ của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới mang lại kết quả tích cực. Ngày 23-12-1950, tức là đúng 10 tháng kể từ khi bị bắt, Raymonde Dien được thả tự do. Sự kiện Raymonde Dien ra tù trở thành tin nóng hổi lan truyền khắp thế giới.
Kể từ sau sự kiện năm 1950, cứ vào ngày 23-2 hàng năm, những người cộng sản trong chính quyền thành phố Tours lại tổ chức mít-tinh tại đường phố 23-2 để nhớ lại sự kiện đáng nhớ đó. Ngày 23-2 ghi vào lịch sử như biểu tượng của chủ nghĩa quốc tế vô sản cao đẹp nhất. Hành động anh hùng của Raymonde Dien được ghi nhớ cụ thể hoá bằng tên đường. Raymonde Dien cũng được mời đi phát biểu ở nhiều nơi trên nước Pháp.
Với hành động hết lòng vì nhân dân Việt Nam, hai chuyến thăm Việt Nam của Raymonde Dien trở thành những ấn tượng không phai mờ. Lần đầu tiên thăm Việt Nam năm 1956 dự Đại hội thanh niên, Raymonde Dien và Henry Martin là những khách mời danh dự, những người bạn chân thành được đón chào nồng nhiệt nhất. Lần đó, Raymonde Dien được gặp Bác Hồ. Bà vẫn nhớ những cảm giác sung sướng khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ được cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ và kính phục. Những lời thăm hỏi ân cần của Bác Hồ, những buổi nói chuyện chứa chan tình đồng chí, thắm thiết tình hữu nghị giữa những đại biểu Pháp trẻ tuổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh là món quà vô giá đối với mỗi người.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Raymonde Dien lại cùng người bạn Henry Martin đã trở lại Việt Nam. Trong hành trình dọc theo đất nước Việt Nam, từ chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa tới thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Raymonde Dien được chứng kiến những đổi thay đáng mừng trên quê hương của Bác Hồ. Bà phấn khởi khoe: Tôi vô cùng hạnh phúc vì đất nước Việt Nam nay đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Người dân Việt Nam đã thực hiện đúng những gì Bác Hồ đã căn dặn. Tỷ lệ người biết chữ, số học sinh đi học đạt cao là một minh chứng cho thấy tính ưu việt của chế độ xã hội của các bạn. Điều đáng mừng hơn là nhân dân Việt Nam, với truyền thống lao động cần cù, chăm chỉ đã quyết tâm vượt qua những khó khăn tồn đọng do chiến tranh để lại, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Bằng chứng là nhà cửa xây dựng ở các thành phố rất đẹp. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh. Đó là điều tôi cảm nhận được ngay từ ngày đầu trở lại Việt Nam. Sự phát triển nhanh của các bạn thông qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các hoạt động xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ người có công với cách mạng cho thấy song song với mục tiêu phát triển kinh tế, các bạn có những nghĩa cử cao đẹp, đầy tình người. Đó là những cơ sở tạo niềm tin vững chắc trong tôi rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi là xây dựng lại đất nước bằng năm, bằng mười ngày xưa. Thâm tâm tôi, lúc nào tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ trở thành đất nước tươi đẹp, là điểm đến của mọi người trên thế giới, để nhân dân thế giới hiểu rằng nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều trong chiến tranh. Đây là lúc Việt Nam thể hiện bản lĩnh trong công cuộc kiến thiết đất nước. Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Với tôi, Việt Nam là quê hương thứ hai, quê hương gắn bó với tôi suốt 55 qua. Tôi luôn dành cho đất nước các bạn những tình cảm tốt đẹp nhất.
Thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, biết bao vật đổi sao dời. Nhưng tấm lòng của người nữ đảng viên cộng sản Pháp Raymonde Dien, cũng như bao người bạn Pháp tiến bộ yêu chuộng hoà bình khác, vẫn trọn vẹn với Việt Nam. Tình cảm sắt son, thuỷ chung ấy mãi mãi sâu bền và lắng đọng.