Rau, củ, quả Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường EU

NDO - Mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu rau, củ, quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau, củ, quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Rau, củ, quả Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường EU

Chiếm thị phần khiêm tốn

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường EU, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty international Fresh Group, chia sẻ, hiện sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.

Lý giải nguyên nhân về tình trạng này, ông Hoàng Xuân Khang cho hay, trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.

“Những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...”, ông Khang chia sẻ.

EU là một thị trường quan trọng và tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU, nhận định và cho biết, để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này, trong tất cả nhóm hàng, rau, củ, quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất.

“Mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu rau, củ, quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với thị phần EU đang nhập khẩu”, ông Trần Văn Công thông tin.

Theo đó, trong cơ cấu rau, củ, quả Việt Nam xuất khẩu sang EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn).

Ông Công cho hay, mặc dù điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng nhưng thị trường EU là một thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang EU là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.

Cách nào để gia tăng thị phần?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Thí dụ, thị trường Hoa Kỳ yêu cầu rau, quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.

Nhận định EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, bà Phan Thị Thu Hiền dẫn chứng, mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.

“Về tổng thể, HTX, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng thị trường EU, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu”, bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Phân tích một số cảnh báo của thị trường EU đối với sản phẩm rau, quả tươi và đã chế biến, TS, Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết: Từ tháng 1-6/2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, riêng mặt hàng rau, quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam. Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin... trong quá trình sơ chế, chế biến.

EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. Trước thực tế trên, TS, Ngô Xuân Nam cho rằng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật liên quan tới chế biến rau quả giống như những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu. Doanh nghiệp, HTX và người nông dân cần nắm chắc để bảo đảm giao thương không bị gián đoạn.

Để thúc đẩy xuất khẩu rau, quả sang thị trường này, ở góc độ nhà nhập khẩu, ông Hoàng Xuân Khang cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp. Đối với các doanh nghiệp, cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại.