Đây là giấc mơ ấp ủ từ nhiều năm nay của các cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam về một ngôi nhà nhỏ dành riêng cho hoạt hình. Rạp có 150 ghế, với tiêu chuẩn kỹ thuật số hiện đại, từ nay sẽ là nơi chuyên cung cấp phim hoạt hình cho khán giả nhí.
Vài năm trở lại đây, có thể thấy rõ sự thay đổi mạnh mẽ của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Các tác phẩm làm ra đã phần nào thoát khỏi cách làm sáo mòn, xưa cũ, mang nặng tính giáo dục mà thiếu đi chất hài hước hóm hỉnh, thiếu đi tính nghệ thuật, vốn vô cùng cần thiết đối với đối tượng khán giả nhí. Nhiều tác phẩm đã mang dáng vóc mới, hiện đại hơn, trẻ trung tươi mới hơn, hấp dẫn hơn. Có những tác phẩm đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng điện ảnh, như Cánh diều vàng, Bông Sen vàng, hay tại LHP quốc tế Hà Nội mới đây. Nguồn phim của hãng hiện nay có hàng trăm bộ phim, trong đó khoảng 50 phim đã được in ra đĩa hoặc băng. Đó là những bước tiến, những thay đổi đáng ghi nhận của hoạt hình Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn số phim này sau khi giới thiệu, trao giải lại quay vào xếp trong kho, không được phổ biến tới đông đảo khán giả nhỏ tuổi, vì một lý do đơn giản là không nơi nào nhận chiếu. Các rạp, các phòng chiếu lớn đều kín lịch phim nước ngoài, nếu có hoạt hình cũng là những bộ phim "bom tấn", hấp dẫn của điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc… Các đài truyền hình hiện nay cũng không dễ dàng nhận phim hoạt hình Việt Nam về chiếu. Ông Đặng Vũ Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình từng chia sẻ: “Có lần chúng tôi chào bán phim cho một đài truyền hình chỉ với giá 500 nghìn đồng, phát hai năm, cung cấp toàn bộ phim mà còn không được”.
Các cán bộ, nhân viên của Hãng nhiều năm nay đã phải xoay trần tìm đủ mọi cách để đưa phim hoạt hình đến với đông đảo công chúng. Ngoài việc tập trung phim lại in ra đĩa, phát hành hơn 10 nghìn bộ đĩa hoạt hình tới hàng chục trường mầm non ở Hà Nội như Lý Thái Tổ 1, 2, Tuổi Thơ, Trung Hòa, Phùng Khoang, Trường tiểu học Phương Mai, hãng còn phát hành phim trên kênh My TV với khoảng 325 nghìn lượt truy cập tính từ tháng 5-2012 đến nay. Bên cạnh đó, hãng cũng hợp đồng với nhiều trường mầm non chiếu phim hoạt hình Việt Nam cho hàng nghìn lượt khán giả tại phòng chiếu số 7 Trần Phú, Hà Nội. Hai lớp học “Bé tập làm phim hoạt hình” trong kỳ nghỉ hè cũng được Hãng phối hợp với Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội tổ chức, giúp các em nhỏ tìm hiểu về quy trình làm phim hoạt hình, cách vẽ phông, vẽ các chuyển động của các nhân vật trong phim. Sáu nghìn bộ đĩa phim theo chín chuyên đề cũng được Hãng hợp tác với Công ty CP Mỹ thuật và truyền thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát hành trong hệ thống của Công ty. Ông Đặng Vũ Thảo cũng cho biết, Hãng đang hợp tác với ba mạng điện thoại di động là Vinaphone, Mobiphone và Viettel để phát hành phim trên điện thoại.
Nói về rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định, mở rộng thêm rạp là thêm việc cho những người làm hoạt hình, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa, phải làm sao phim hoạt hình Việt Nam “đứng” được ở Việt Nam, được trẻ em Việt Nam ưa thích và lựa chọn tìm kiếm, và xa hơn là bán được cho các kênh hoạt hình…
Bước đầu, rạp Thánh Gióng sẽ chiếu phim hoạt hình của Hãng, dần dần tiến tới là nơi giới thiệu những tác phẩm mới của hoạt hình Việt, đặc biệt là phim của các tác giả trẻ và cả những bộ phim dành cho trẻ em Việt Nam, hợp với thuần phong mỹ tục.
Sự ra đời của rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên ở Việt Nam là tín hiệu đáng mừng cho hoạt hình nước nhà, tuy nhiên, quan trọng hơn, từ nay các nghệ sĩ, nhà làm phim có thêm một “thước đo” để biết được thị hiếu của khán giả đối với sản phẩm của mình.