Vở diễn được xây dựng không dựa trên một câu chuyện cụ thể nào, mà lấy nền là yếu tố văn hóa đặc sắc của các vùng miền Việt Nam, với một chủ thể dẫn dắt xuyên suốt là ánh trăng.
Khán giả sẽ được đưa đến miền sơn cước xa xôi với các chàng trai cô gái dân tộc trong trang phục ấn tượng đầy màu sắc, réo rắt tiếng đàn tính, tiếng sáo tiêu bay bổng hòa cùng ánh trăng mát dịu; những chiếc ô đầy sắc màu tô điểm cho núi rừng lỗng lẫy hơn dưới ánh trăng trên núi. Ánh trăng trải dài vùng trung du qua tiếng nước róc rách guồng nước, in bóng của những cánh cò rập rờn khắp mặt nước. Ánh trăng ấm nhuộm sáng mảnh đất Tây Nguyên với những vũ điệu truyền thống mạnh mẽ, khỏe khoắn của đại ngàn; ánh trăng lại dịu dàng trong từng câu hò, câu ví của mảnh đất cố đô Huế. Xuôi về phương nam là ánh trăng ấm áp cùng vũ điệu múa mâm vàng, múa hoa sen đặc sắc trong những làn điệu dân ca miền sông nước.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn chương trình thử nghiệm "Trăng" chia sẻ: “"Trăng" được xây dựng từ mong muốn có một show diễn du lịch mang nhiều màu sắc văn hóa nghệ thuật như ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc... Chính vì vậy lần này, ê kíp sáng tạo đã sử dụng nhiều yếu tố trình diễn như âm nhạc dân tộc, múa kết hợp với nghệ thuật múa rối để tạo sức hấp dẫn riêng. Chúng tôi đã mạnh dạn đưa các nét văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền để làm sao khách du lịch khi tới xem với chương trình sẽ phần nào có thêm những hiểu biết về nhiều nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam"”.
Ê kíp sáng tạo bao gồm tác giả, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, họa sĩ tạo hình là NSƯT Thế Khiển, trang trí mỹ thuật là họa sĩ Ngô Thắng, âm nhạc do các nhạc sĩ Trần Đức Minh, Minh Dương và Xuân Phương thể hiện. Vở rối do Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm và Đoàn nhạc - Nhà hát Múa rối Việt Nam kết hợp biểu diễn.