Xưa nay, độc giả vẫn biết đến một “Tây Tiến” bất hủ của Quang Dũng. Nhà thơ viết "Tây Tiến" vào mùa xuân năm 1948 với cảm hứng mãnh liệt của một người trong cuộc, ông đã làm bài thơ rất nhanh, để kịp đọc trong Đại hội toàn quân của Liên khu III ở Phù Lưu Chanh. Tuy nhiên, cảm xúc về “những ngày Tây Tiến” thì còn theo ông mãi, như một nỗi nhớ, một ám ảnh khôn nguôi. Tấm lòng thiết tha của tác giả về những ngày hào hùng ấy đã dẫn đến thiên hồi ký Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt ông viết mấy năm sau.
Hơn là một phiên bản văn xuôi của bài thơ, tập hồi ký cho chúng ta biết thêm nhiều điều cụ thể về hoạt động của binh đoàn khi ấy, cũng như về các chiến sĩ Việt - Lào, những người cầm súng và cả những người cầm kèn trong Đoàn Võ trang Tuyên truyền cùng tham gia vào sứ mạng giải phóng đất nước mình và nước bạn khỏi ách thực dân xâm lược… Năm 1952, ở Cổ Thành, nhà thơ đã hoàn thành tập hồi ký nói trên, và khép lại tập sách bằng “Mấy lời nói trước cùng độc giả”.
Tập hồi ký kể về việc thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền ngay từ những ngày đầu, với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, về nhiệm vụ Đoàn được giao, những việc Đoàn đã làm trong suốt những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy. Đó là “làm nhiệm vụ đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách Đoàn kết của Chính phủ, tuyên truyền ý chí kháng chiến của Dân tộc, tuyên truyền cái tinh thần của quân đội Việt Nam.”
Tập hồi ký cũng nói về sự tham gia của đoàn Nhạc binh nổi tiếng của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trên mặt trận này, về mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào, qua một Trung đội Pa-thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt.
Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương.
Bên cạnh những cái thuộc về “vĩ mô” ấy, tập hồi ký còn cho những người yêu Quang Dũng biết thêm nhiều điều về quãng thời gian nhà thơ tham gia Đoàn Võ trang Tuyên truyền, tiền thân của Binh đoàn Tây Tiến sau này…
Sau gần bảy mươi năm, tập hồi ký của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà.