Cuốn sách dày hơn 140 trang, tập trung giới thiệu về chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt gắn với kịch bản vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân" cùng những bài viết và chia sẻ, cảm nhận của khán giả trong, ngoài nước về vở diễn.
Với kết cấu bao gồm chín đại cảnh: Vì sự sống của con đường chúng mình sẵn sàng hy sinh-Địch phá một thì ta làm mười-Tất cả phải dành cho tiền tuyến-Tiếng hát át tiếng bom-Tình yêu từ tọa độ chết-Đừng vì cùng quê mà bênh nhau-Đàn chim tung cánh bay giữa trời-Thép đã tôi thế đấy-Sống một đời đáng sống, cuốn sách như bản anh hùng ca thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, kể câu chuyện về những ngày cuối cùng của mười nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc.
"10 đóa hoa bất tử" đã anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông nối liền hậu phương miền bắc và chiến trường miền nam. Điều thú vị là khúc ca vừa lãng mạn, vừa bi tráng đó được tái hiện ngay trong không gian Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, như tiếp thêm sức sống cho những tài liệu, hiện vật được trưng bày nơi đây.
Càng đặc biệt hơn khi giữa bối cảnh chiến trường khốc liệt được dựng lại sống động với những trận địa pháo, hố bom, hầm chữ A và những bao tải đựng 5 tấn đất được lấy từ chính Ngã ba Đồng Lộc…, vở diễn không chọn kể về những trận đánh cam go mà dành thời lượng lớn để thể hiện tâm sự thiếu nữ, sẻ chia, suy nghĩ của các cô gái mới mười tám, đôi mươi. Họ đem theo những bình dị, hồn nhiên rất đỗi đời thường để làm nên những điều phi thường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có lẽ bởi thế mà vở diễn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.
Tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: Thế hệ chúng tôi sinh ra năm 1968, năm mà dân tộc đã phải đổ nhiều xương máu, trong đó có sự hy sinh của mười nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Và "Huyền thoại tuổi thanh xuân" chính là sự tri ân, tưởng nhớ thành kính dâng lên họ.
Xem "Huyền thoại tuổi thanh xuân" với nhiều câu chuyện, lớp lang sống động, ít ai nghĩ kịch bản vở diễn chỉ được tác giả viết trong vỏn vẹn ba ngày. "Điều này không có nghĩa là tôi viết nhanh. Trong quá trình viết, tôi cảm thấy như từng nhân vật, từng sự kiện, tình huống và chi tiết của mười nhân vật như hiện ra trước mắt mình, mách bảo, chỉ đường cho tôi viết…" tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương tâm sự trong phần Lời tựa cuốn sách.
Sau một năm kể từ khi ra mắt (tháng 10/2023), vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã thu hút hơn 3.000 khán giả trong nước, quốc tế khi đến với sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, trong đó chủ yếu phục vụ miễn phí các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong năm xưa. Vở diễn đã trở thành một trong 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn của Hà Nội.
Câu chuyện của mười nữ Anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi của Việt Nam đã gây xúc động mạnh với các nghệ sĩ Bangladesh và được dàn dựng thành chương trình sân khấu thực cảnh tại Đại học quốc gia Dhaka vào đầu năm 2024 để giới thiệu tới các bạn trẻ và công chúng nước bạn.
"Huyền thoại tuổi thanh xuân" thêm lần nữa chứng minh sức sống và sức hút của những câu chuyện lịch sử, điều quan trọng là tìm được cách thức để khai thác và đưa đến với công chúng hôm nay…