“Thời đàm văn hóa văn nghệ” được coi là tuyển tập các bài viết chính luận của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng.
Đó là những bài viết bày tỏ quan điểm, góc nhìn của tác giả về những vấn đề thời sự hiện nay trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Các tác phẩm trong “Thời đàm văn hóa văn nghệ” đều được đăng tải trên các chuyên mục “Thời đàm”, “Chuyện thường ngày”của ấn phẩm Thời Nay (Báo Nhân Dân) nơi anh đang công tác, và tại chuyên mục “Diễn đàn Nhân Dân cuối tuần”, trên Nhân Dân cuối tuần.
Bìa hai tác phẩm mới của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, mục đích những bài viết nhằm cùng bạn đọc, đồng nghiệp thể hiện mối quan tâm đến những sự việc, hiện tượng, vấn đề, hiện trạng trong đời sống văn hóa, văn nghệ.
Qua đó phát đi lời cảnh báo, hoặc góp ý kiến, phản biện, ghi nhận, đề nghị và gợi mở chung quanh câu chuyện xây dựng, điều chỉnh chính sách văn hóa, văn nghệ; đề xuất những ý tưởng, giải pháp xây dựng đời sống văn hóa,…
Mong muốn chung nhất của tác giả vẫn là bồi đắp, truyền tải những nguồn năng lượng tích cực của các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật vào mọi mặt đời sống.
“Các hoạt động văn hóa văn nghệ đều hướng đến công chúng, nếu nó tích cực thì nó làm đẹp làm giàu, nhưng nó là những giả hiệu thì sẽ gây hại cho công chúng. Mà cái hại về văn hóa là cái hại có ảnh hưởng lâu dài…
Trách nhiệm của người làm công tác văn hóa văn nghệ là thấy gì đẹp thì phải khen, nhưng thấy cái xấu, cái hại thì cần ngay lập tức phản ánh, phản biện để làm không khí văn hóa văn nghệ tốt lên”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng và Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ nhiều thông tin thú vị tại buổi ra mắt sách. |
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, khách mời trong chương trình nhận xét: “ Cuốn Thời đàm văn hóa văn nghệ gồm những bài viết thuộc loại phê bình báo chí.
Thể loại phê bình báo chí dễ tiếp cận công chúng rộng rãi, sâu sắc hơn, có những chính kiến sắc sảo, thời sự.
Những vấn đề nóng sốt của xã hội đều được đề cập kịp thời trong cuốn sách, như những vấn đề về phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, quản lý di sản, chuyện đề thi, tập tục lễ tết, tín ngưỡng,…”.
Trong khi đó, tập tản văn “Những người cầm tinh hoa” như là lời tâm tình, ngưỡng vọng dành riêng cho những ai đang lưu giữ nét đẹp truyền thống.
Đó là tiếng vọng lên của những câu quan họ, là những vần chữ sóng sánh nhân văn, là hương Tết cổ truyền len lỏi trong mỗi nhịp sống.
Nhà văn Tống Phước Bảo đặt câu hỏi cho nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. |
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng “bật mí” cảm hứng để cho anh hoàn thành và đặt tên cho cuốn sách “Những người cầm tinh hoa” là từ ý thơ trong bài thơ Quan họ của thầy mình: ‘Đầu thai câu quan họ/Ta cầm tinh nỗi buồn”, để nói về cái cầm tinh của mỗi con người.
“Nói về cầm tinh theo nghĩa phổ biến nhất, là mỗi người cầm một con giáp nào đó. Tôi liên tưởng rằng, mỗi người chúng ta đều có cầm những bông hoa trong người khi chúng ta yêu văn hóa văn học, khi chúng ta thưởng thức nghệ thuật, bông hoa trong chúng ta sẽ lên tiếng”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng ký tặng sách cho bạn văn, độc giả tại chương trình. |
Theo Tiến sĩ Hà Thanh Vân, hai tác phẩm này tưởng chừng như riêng biệt nhưng khi ta đọc kỹ lại thấy có sự kết nối với nhau.
“Phần cuối tác phẩm “Thời đàm văn hóa văn nghệ” là “Sáng tạo cùng tinh hoa”, trở về lại cùng với yếu tố tinh hoa.
Mặc dù là phê bình, phản biện những vấn đề nóng sốt, nhưng thực tế lại bổ sung cho tác phẩm “Những người cầm tinh hoa”, mục tiêu là hướng độc giả, là nhận diện phương thức để văn hóa văn nghệ đích thực đảm nhiệm vai trò tinh hoa trong xã hội”, Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhận xét.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Nhà sáng lập Sbooks cho biết, hai cuốn sách mới của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bày tỏ đúng tinh thần mà Sbooks hướng đến đó là phát triển tủ sách về lịch sử văn hóa, văn học nghệ thuật.
Thông qua việc xuất bản nhiều tác phẩm về văn hóa nghệ thuật, Sbooks mong muốn gửi đến độc giả những tác phẩm có giá trị; qua đó, góp phần nhỏ vào việc xây dựng nền văn hóa nước nhà.