Ở nước ta, truyện cổ Grimm được biết đến từ lâu - vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, nhưng chủ yếu qua phiên bản tiếng Pháp và phiên bản tiếng Trung Quốc. Trong quá trình giao lưu văn hóa Việt – Đức, truyện cổ Grimm đã được giới thiệu mạnh mẽ và đầy đủ thông tin hơn, nhiều dịch giả đã tham gia vào công tác biên dịch để mang lại một tác phẩm truyện cổ Grimm đầy màu sắc. Những người có công lao đặc biệt này phải kể đến nhà văn hóa Hữu Ngọc và ông Lương Văn Hồng – một chuyên gia tận tụy về văn học dân gian Đức.
Đầu những năm 80, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã dịch và cho ra mắt tập “Truyện cổ Grimm” trên cơ sở các văn bản do một số cán bộ gnoaij giao của Đức công tác tại Hà Nội cung cấp và các sách tiếng Pháp của Henri Mansviec (1944) và J.Peyraube (1946). Các bản dịch của nhà văn hóa Hữu Ngọc được tái bản nhiều lần tại nhiều nhà xuất bản khác nhau (Văn hóa, Văn học, Kim Đồng…).
Với “Truyện cổ Grimm”, đôi khi độc giả Việt Nam còn được hưởng những thú vị nho nhỏ, đến từ sự tương đồng giữa cổ tích Việt Nam và Đức.
Ở ấn phẩm “Tuyển tập truyện cổ Grimm” dịch từ nguyên bản tiếng Đức, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã đem đến một phiên bản truyện với đầy đủ những câu chuyện hấp đẫn, mang đậm màu sắc dân gian Đức, cùng với hình ảnh minh họa màu sắc sinh động. Tác phẩm do nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học, nhà nghiên cứu văn hóa Đức Trần Đương dịch. Ông là tác giả, dịch giả và biên soạn của hơn 50 tác phẩm văn học cùng khoảng 100 bài thơ của Bertolt Brecht, Friderich Schiller và một sô tác giả người Đức, Italy, Nga, Bulgaria, Cuba..