Ra mắt bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz

NDO - Sáng 17/10, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, người dịch bộ tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ Thánh chiến” (gồm 2 tập, do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành), nhân dịp bộ tiểu thuyết đồ sộ này vừa ra mắt độc giả.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa bộ tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz.
Bìa bộ tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz.

Bối cảnh lịch sử của “Hiệp sĩ Thánh chiến” là một thời kỳ phức tạp mà huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan, giai đoạn hậu kỳ Trung cổ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV.

Chủ đề chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình được Henryk Sienkiewicz khắc họa rõ nét trong “Hiệp sĩ Thánh chiến”.

Để sáng tác “Hiệp sĩ Thánh chiến”, Henryk Sienkiewicz đã dày công nghiên cứu các sử liệu về thế kỷ XIV-XV, trước hết là bộ Lịch sử Ba Lan đồ sộ của nhà sử học Jan Długosz, người sống gần như cùng thời với các sự kiện được mô tả.

Nhờ sử dụng một cách chọn lọc, tinh tế những chất liệu sử học, dân tộc học, truyền thuyết, thần thoại, dân ca, thổ ngữ..., Henryk Sienkiewicz đã tái tạo được một bức tranh sống động và trung thực với đầy đủ sắc màu, âm hưởng của quá khứ hào hùng của dân tộc Ba Lan.

Tác phẩm dựng lên một quốc gia phong kiến tập quyền thời Trung cổ ở châu Âu với các giai tầng xã hội khác nhau: Vua và Hoàng hậu, các quận công và quận chúa, các hiệp sĩ vùng biên ải, đám quan lại giàu có, các trang chủ quý tộc, những người nông dân nghèo khổ, các hiệp sĩ Thánh chiến đầy ngạo mạn, tàn bạo và quỷ quyệt...

Có lẽ, trong cuộc đời sáng tác văn học giàu thành tựu của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1905), không tác phẩm nào được thai nghén lâu như tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ Thánh chiến”.

Ngay từ năm 1865, trong lòng chàng sinh viên Henryk Sienkiewicz 19 tuổi đã nảy mầm ý định xây dựng một tiểu thuyết xứng tầm với cuộc đụng đầu lịch sử xảy ra hồi đầu thế kỷ XV giữa liên minh Ba Lan-Litva với Giáo đoàn Thánh chiến.

Henryk Sienkiewicz đâu thể ngờ rằng phải đến tận 35 năm sau, tâm nguyện thời trẻ này của ông mới trở thành hiện thực. Công việc sáng tác “Hiệp sĩ Thánh chiến” kéo dài ròng rã 4 năm trời, bắt đầu tại Zakopane (Ba Lan) năm 1896, kết thúc năm 1900 tại Parc Saint Maur gần Paris (Pháp).

Những giá trị về nội dung và nghệ thuật lớn lao đã làm cho “Hiệp sĩ Thánh chiến” trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc Ba Lan

Bằng sức mạnh nghệ thuật, tác phẩm đã trở thành lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho bọn xâm lược vốn chỉ tin vào sức mạnh của quân đội và vũ khí.

Tính chặt chẽ của cấu trúc, nghệ thuật đan xen mật thiết của các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận chung của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến các nhà phê bình văn học đánh giá “Hiệp sĩ Thánh chiến” là tác phẩm hoàn thiện nhất trong những tiểu thuyết lớn của Henryk Sienkiewicz.

Ra mắt bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz ảnh 1

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ quá trình dịch tác phẩm “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz.

Tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, ông đã mất 30 năm để dịch toàn bộ tác phẩm này. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục dịch và giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm đồ sộ khác của văn hào Henryk Sienkiewicz.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, việc giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học có giá trị của nhân loại cho độc giả Việt Nam là hoạt động âm thầm mà hết sức sôi động của nhiều dịch giả, nhiều công ty sách, nhiều nhà xuất bản, nhằm đem lại tri thức và là cầu nối cảm xúc về các giá trị nhân văn giữa các nền văn học, các nền văn minh của nhân loại với độc giả nước nhà.

“Buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cùng với việc giới thiệu bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiwicz còn là dịp để dịch giả cùng các đồng nghiệp truyền cho nhau năng lượng sống hữu ích, năng lượng sáng tạo cũng như trao đổi về công việc chuyển ngữ tác phẩm văn học hiện nay”, nhà văn Bích Ngân cho biết.