Tại sự kiện công bố cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar công bố ngày 31/5, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng biên soạn nhấn mạnh:
Trong cạnh tranh gay gắt về thương mại toàn cầu luôn gắn chặt với hoạt động đầu tư. Do đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chính là tăng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trực tiếp tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Quá trình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam 24 năm qua có sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển, thể hiện ở những bước đi phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới trong từng giai đoạn.
Trong quá trình này đã ghi nhận những thành công bước đầu khi một số các tập đoàn, doanh nghiệp mang được lợi nhuận về nước, xây dựng được thương hiệu ở nước ngoài nhưng cũng có những doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải giải thể.
Ở giai đoạn đầu, vốn đầu tư của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước tại khu vực châu Phi đang cần có đầu tư nước ngoài và các sản phẩm made in Vietnam có thể tiêu thụ được.
Gần đây, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhiều tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, việc nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trở thành vấn đề rất cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thấy rõ được những thành công và tồn tại.
Từ đó đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp lý để hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiệu quả hơn, tạo ra một nguồn lực vốn mới đưa trở về nước góp phần phát triển đất nước bền vững, phồn vinh, thịnh vượng.
Đáp ứng yêu cầu đó, cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” được thực hiện với nội dung chính tập trung vào phân tích thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trên bình diện tổng thể và tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư.
Cuốn sách đồng thời phân tích sâu các kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp điển hình được lựa chọn đại diện cho từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, cũng như đại diện khu vực đến đầu tư.
Cuốn sách cũng đi sâu phân tích hệ thống luật pháp chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, về thông lệ đầu tư quốc tế nhằm chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài. Từ đó đưa ra các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp chính sách về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá: Thông tin của cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” rất hữu ích cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp định hướng đầu tư ra nước ngoài.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà còn góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/05/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD. Riêng đầu tư của Việt Nam tại Myanmar chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,4%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%)…