Ngành giáo dục Hà Nội đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, quyết tâm giữ vững vị trí là địa phương dẫn đầu về chất lượng, quy mô và đổi mới giáo dục trong cả nước.C HO đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa) Phạm Văn Sáng cho biết, mọi điều kiện phục vụ cho việc dạy và học năm học 2014-2015 cơ bản hoàn thành. Tuy trường nằm trên địa bàn huyện ngoại thành nghèo ở phía nam thành phố, nhưng cơ sở vật chất của trường bảo đảm theo chuẩn quốc gia.
Gần địa bàn huyện Ứng Hòa, Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) những năm gần đây được coi là một "hiện tượng" của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, bởi có nhiều học sinh đỗ đầu trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Đồng Quan Lê Anh Dũng cho biết, ngay sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường đã lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trường cũng cố gắng sửa sang đường điện, hệ thống nước, trang bị thêm quạt, đèn chiếu sáng trong các lớp học, phục vụ tốt nhất năm học.
Đối với khối trường mầm non, công tác chuẩn bị càng được thực hiện chu đáo. Cô Đào Thu Ngọc, giáo viên Trường mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết: Ngay từ đầu tháng 6, Ban Giám hiệu nhà trường đã rà soát, lên phương án, kế hoạch sửa sang trường, lớp, trang bị đầy đủ về ánh sáng, quạt mát cho năm học mới. Giáo viên nhà trường đã bố trí thời gian vệ sinh lớp học, sắp xếp lại đồ dùng học tập, để có không gian thoáng mát phục vụ tốt nhất việc giảng dạy, học tập, để tạo niềm vui, sự hứng khởi cho các cháu ngay đầu năm học".
Để chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015, thành phố đã xây mới 15 trường học, trong đó, có 13 trường mầm non, một trường tiểu học, một trường phổ thông đa cấp; cải tạo, sửa chữa 5.411 phòng, xây mới 2.541 phòng học... Ngoài tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, các đơn vị, nhà trường được bảo đảm đủ về số lượng giáo viên định biên theo quy định. Đội ngũ giáo viên bảo đảm đồng bộ, cân đối về cơ cấu. Chất lượng và trình độ đội ngũ được bảo đảm cả về chuyên môn, năng lực quản lý, nghiệp vụ sư phạm thông qua việc duy trì và mở rộng nội dung, phương thức bồi dưỡng. Có khoảng 19.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên của thành phố được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Năm nay, ngành giáo dục Thủ đô sẽ tăng cường thực hiện các nghị quyết của T.Ư, của Thành ủy và UBND thành phố về "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hòa nhập quốc tế"; đổi mới căn bản công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2013-2014 vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đạt những kết quả toàn diện. Thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước kế hoạch của thành phố một năm và sớm hơn hai năm so với toàn quốc. Bốn trường được công nhận trường chất lượng cao, 134 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt bảy trường so với chỉ tiêu. Học sinh Thủ đô tiếp tục dẫn đầu toàn quốc với 137 giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 18 giải trong các cuộc thi quốc tế. Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường, bảo đảm chuyên môn và năng lực sư phạm... Tuy nhiên, ngành giáo dục Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng giáo viên chưa đồng đều; việc tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn diễn ra; sĩ số học sinh/lớp ở một số quận nội thành còn cao... Năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới công tác quản lý, xây dựng nhà trường "quản lý tốt - dạy tốt - học tốt", triển khai hiệu quả mô hình trường chất lượng cao. Thực hiện nghiêm Quyết định số 22 của UBND thành phố về quản lý dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng lạm thu các khoản thu ngoài học phí...