Cùng với Quy định số 32-QĐ/TW vừa được Trung ương ban hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một lần nữa Ðảng ta khẳng định mạnh mẽ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Quyết tâm chính trị của Đảng phù hợp nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về một chính đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị liêm chính.
Qua hội nghị lần này và nhất là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng những đột phá trên hành trình làm trong sạch Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Niềm tin của nhân dân được xây dựng và củng cố trên cơ sở những kết quả đã được kiểm chứng qua hai nhiệm kỳ thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với quyết tâm chính trị rất cao, đồng bộ giải pháp từ trên xuống, đã minh chứng rõ nét, công cuộc chống “giặc nội xâm” ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã để lại dấu ấn đậm nét với nỗ lực làm trong sạch nội bộ. Đến tháng 11/2020, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên, trong đó, có ba ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 23 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng…
“Không ngừng”, “không nghỉ” là quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư trước nhiệm vụ được Trung ương nhận định là quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Với bảy kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kể từ sau Đại hội XIII của Đảng tới nay, cho thấy, công tác đấu tranh với suy thoái, tham nhũng, tiêu cực chưa hề giảm hay “nguội”. Ngay trước Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đảng viên cấp tướng; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bảy tướng lĩnh khác. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đồng chí cấp tướng và ba cấp tá của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Nhìn vào những bản án và con số tương tự nêu trên, nhiều ý kiến bày tỏ vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Đảng đã quyết tâm, tập trung và làm thật, đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên không giữ được bản lĩnh, phẩm chất, để tay “nhúng chàm”. Lo là bởi sự suy thoái đã “leo cao” ở mọi cấp, ngành, lĩnh vực, với biểu hiện ngày càng tinh vi, mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Vì đâu nên nỗi là câu hỏi xót xa thường được đặt ra trước mỗi quyết định thi hành kỷ luật đảng. Bởi nhiều cán bộ, đảng viên đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, có người từng là anh hùng, là cán bộ có năng lực, nhưng đã không giữ được bản thân trước cám dỗ của danh lợi. Tại hội nghị lần này, Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân…
Chỉ đạo của Tổng Bí thư: “nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng” và sự thống nhất cao từ Trung ương, sẽ thúc đẩy những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này. Tuy nhiên, sẽ chẳng có giải pháp nào là triệt để nếu bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền không tự ý thức, tu dưỡng, rèn luyện, không nhận rõ trách nhiệm, bổn phận, xem nhẹ giá trị của tự trọng mà đánh mất chính mình.