Quyết sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Để đẩy nhanh tốc độ giảm số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, cuối tháng 2/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (Chương trình giảm nghèo), với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Qua 5 năm triển khai, tỉnh đã giảm được 6.598 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
 Trong 5 năm, Bình Phước trao hơn 5.000 nhà đại đoàn kết tặng các hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Trong 5 năm, Bình Phước trao hơn 5.000 nhà đại đoàn kết tặng các hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình anh Chu Văn Vệ (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) là một trong những hộ dân tộc thiểu số đầu tiên được xóa nghèo từ Chương trình giảm nghèo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành vào cuối tháng 2/2019. Sau 5 năm nỗ lực, gia đình anh Vệ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình, nhất là chăn nuôi.

Đổi đời từ ấy...

Cách nay 5 năm, hộ anh Vệ thuộc diện “ba không” (không nhà ở kiên cố, không đất sản xuất, không vật nuôi chủ lực). Được các cấp, ngành chung tay hỗ trợ một cặp dê giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, anh Vệ còn nhận nuôi rẽ (một hình thức nuôi thuê) dê cho các hộ trong vùng để tăng thêm thu nhập. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, chuồng dê nhà anh có hơn 20 con trưởng thành. Cùng với đó, đến cuối tháng 7/2020, Chương trình giảm nghèo của xã cũng hỗ trợ hộ anh Vệ thêm cặp bò sinh sản để phát triển kinh tế. “Được các cấp, các ngành hỗ trợ từ cây, con giống đến chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, tôi được tiếp thêm động lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt, gia đình tôi còn được xây tặng nhà đại đoàn kết. Chỉ trong thời gian ngắn tôi đã thoát nghèo, tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước giúp tôi được “đổi đời”, vợ con sống trong no ấm” - anh Vệ chia sẻ.

Gia đình chị Thị La là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (ở Thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng), không có đất sản xuất lại nuôi hai con nhỏ. Vợ chồng chị không có công việc ổn định, ai thuê gì thì làm đó, thu nhập rất bấp bênh. Để hỗ trợ gia đình thoát nghèo, cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Long Tân đã tuyên truyền, vận động chị La học nghề cạo mủ cao su miễn phí. Sau khi có tay nghề, chị La xin được việc làm ổn định với thu nhập khá từ cạo mủ cao su tiểu điền. Chị La cho biết: Thu nhập của tôi hiện hơn tám triệu đồng/tháng. Sáng đi cạo mủ cao su thuê, chiều ở nhà chăm con, lo cho gia đình. Chồng tôi cũng đi làm thuê, có thu nhập cho nên cuộc sống ổn định hơn và đã thoát nghèo.

Từ hai trường hợp nêu trên cho thấy, công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước được triển khai linh hoạt, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể để có những giải pháp đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo phù hợp. Thực tế cho thấy, không nhất thiết phải xây nhà, cấp cây, con giống giá trị cao… thì người dân sẽ thoát nghèo. Có người chỉ cần hỗ trợ “cần câu, họ tự câu được cá”, tuy nhiên tùy vào từng trường hợp để cấp “cần câu” cho phù hợp. Do đó, việc hỗ trợ cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững là tạo được động lực, điểm tựa để họ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Việc xóa nghèo không nên chạy theo thành tích, khi thoát nghèo người dân phải thật sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đối với những hộ không thể thoát nghèo cũng không bỏ họ lại phía sau.

Như trường hợp ông Điểu Mát ở thôn Bình Trung (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng), năm nay đã ngoài 80 tuổi, gia đình ông sống trong ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, không có khả năng về tài chính để sửa chữa hoặc xây mới. Niềm vui đã đến với gia đình ông khi tháng 11/2023 được trao tặng căn nhà mới có diện tích sử dụng 54 m2, trị giá 102 triệu đồng. Trường hợp như ông Điểu Mát không thể xóa nghèo, nhưng chính quyền các cấp vẫn quan tâm để ông có điều kiện sống tốt nhất. Ông Điểu Mát cho biết: Gia đình tôi được trao tặng căn nhà mới, có nơi ở khang trang, kiên cố lúc tuổi già. Tôi rất vui và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ.

Điểm tựa để người nghèo vươn lên

Trở lại thời điểm tỉnh Bình Phước ban hành Chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Phước, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có chiều hướng tăng cao. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm thấp, mỗi năm chỉ giảm được 1,15%, chỉ đạt 57,5% so với kế hoạch. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm có xu hướng tăng, từ 44,37% (năm 2016) lên 52,67% (năm 2018); đầu năm 2019, toàn tỉnh có 8.614 hộ nghèo, thì có đến 4.545 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực tế nêu trên, tỉnh xác định cần phải bố trí và huy động nguồn lực riêng ngoài các nguồn lực theo các chương trình của Trung ương để tác động trực tiếp đến đối tượng hộ nghèo là dân tộc thiểu số, qua đó tạo động lực giúp họ thoát nghèo. Chính sách của tỉnh tập trung vào xây, sửa nhà ở, nhà vệ sinh; hỗ trợ nước sinh hoạt, kéo điện, tiếp cận thông tin, hỗ trợ công cụ phát triển sản xuất, cây, con giống... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập, qua đó tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Để đạt mục tiêu giảm số hộ nghèo hằng năm đã đề ra, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn sâu sát chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mỗi tuần một lần, lãnh đạo tỉnh giao ban trực tuyến kết nối từ điểm cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh đến điểm cầu của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, nghe các đơn vị báo cáo khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao, đồng thời nhân rộng các mô hình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Mấu chốt thành công của chương trình giảm nghèo là, huy động các nguồn lực để lo cho người nghèo, do đó ngay từ khi bắt tay vào triển khai, Bình Phước đã linh hoạt trong sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để kêu gọi các nguồn lực chung sức giúp người nghèo, nhất là các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số để họ có điểm tựa vươn lên. Trong 5 năm, Bình Phước đã huy động hơn 675 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, trong đó vốn của tỉnh và huyện khoảng 300 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách 143 tỷ đồng, vốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động được 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.

Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Những người làm công tác mặt trận và dân vận xác định: Xóa nghèo không thể làm bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể; nói phải đi đôi với làm và làm phải có kết quả, như vậy các nhà hảo tâm mới tin tưởng ủng hộ. Để cụ thể hóa, chúng tôi đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trích một phần vượt thu để tạo quỹ trước. Cùng với đó, cán bộ mặt trận, dân vận không ngại khó, ngại khổ vận động các nguồn lực khác nhau, như “góp gió thành bão”, sau 5 năm triển khai, chương trình đã đem lại kết quả to lớn, tạo ra cuộc sống mới cho gần 6.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến cuối năm 2023, Bình Phước còn 574 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 51,2% tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đề xuất với Tỉnh ủy không thực hiện chương trình giảm nghèo riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà thực hiện chung chương trình giảm nghèo của toàn tỉnh, phấn đấu năm 2024 giảm 500 hộ nghèo, trong có 292 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; năm 2025, phấn đấu xóa toàn bộ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (trừ các hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội).

Với một tỉnh thu ngân sách thuộc tốp sau của vùng Đông Nam Bộ, nhưng chỉ trong vòng 5 năm, Bình Phước tập hợp được một nguồn lực lớn của toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà tỉnh đã đề ra.

Trong 5 năm, Bình Phước đã huy động hơn 675 tỷ đồng, trong đó có 173 tỷ đồng là nguồn vốn huy động từ xã hội để giúp 6.598 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Phước cũng đã huy động được 344 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 5.071 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.