Dạo một vòng quanh một số tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Bùi Viện, Hoàng Sa (Quận 1), Phạm Văn Ðồng (quận Bình Thạnh),... là cảnh nhộn nhịp của các quán nhậu. Dọc các tuyến đường, các quán nhậu này hầu như mở cửa từ trưa tới tối khuya và lúc nào cũng đông khách. Việc bất chấp các quy định của pháp luật về sử dụng bia, rượu, lạm dụng các loại nước có cồn này gây nên nhiều hậu quả khôn lường. Hậu quả trực tiếp của việc uống bia, rượu rồi lái xe là gây ra tai nạn giao thông. Ðiều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà tồi tệ nhất là gây ra những hệ lụy về sức khỏe, tính mạng, để lại nỗi đau đớn, ám ảnh dai dẳng đối với nhiều người, nhiều gia đình. Cách đây không lâu, nhiều người dân chắc hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh một phụ nữ lái chiếc ô-tô của mình lao thẳng vào nhiều người đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) khiến một người chết, năm người bị thương nặng, làm hư hại nhiều tài sản. Làm việc với cơ quan chức năng, người phụ nữ này khai nhận đã sử dụng bia, rượu quá lượng quy định và không làm chủ được tay lái. Tương tự, L.T.Ð.K. (20 tuổi, ngụ thành phố Thủ Ðức) trong tình trạng say xỉn sau khi ăn nhậu với bạn bè đã tông chết một người đàn ông đi bộ trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh).
Các thống kê về số vụ tai nạn giao thông liên quan bia, rượu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, năm 2020, đã phát hiện và xử lý hơn 36.000 trường hợp; năm 2021 phát hiện và xử lý gần 30.800 trường hợp. Ðây vẫn là con số rất cao dù năm 2021, thành phố có nhiều tháng giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Và năm 2022, các lực lượng chức năng đã xử lý đến 55.555 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Và chỉ trong cao điểm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu Xuân 2023 vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý hơn 17.800 trường hợp. Ðáng nói, kể từ thời điểm Nghị định 100/2019/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, chế tài về xử phạt đã tăng lên đáng kể, nhưng mức độ vi phạm của người tham gia giao thông vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn.
Theo Thượng tá Ðoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Ðường bộ-Ðường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc quyết liệt triển khai thực hiện các chuyên đề, cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố trong năm 2022 đã góp phần nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao văn hóa giao thông. Tuy nhiên, để kéo giảm thấp nhất số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thì vấn đề mấu chốt chính là ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện.
Thượng tá Ðoàn Văn Quới cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố tiếp tục thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó việc xử lý chuyên đề nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục và là một trong những công tác trọng tâm của lực lượng cảnh sát giao thông. Ðể đẩy lùi tác hại của rượu, bia, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, đồng thời kéo giảm số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu, bia, Phòng Cảnh sát giao thông Ðường bộ-Ðường sắt đã tham mưu công an thành phố ban hành các kế hoạch về xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy trong năm tiếp theo với thời gian thực hiện xuyên suốt cả năm.
Phòng Cảnh sát giao thông Ðường bộ-Ðường sắt chủ động tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu, bia, các tụ điểm về ma túy, các tuyến đường có số liệu xử lý vi phạm chuyên đề cao... để xác định quy luật hoạt động về thời gian, tuyến đường, địa bàn có nhiều khả năng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác. Thực hiện việc rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý vi phạm hành chính và tai nạn giao thông, phân tích kỹ nguyên nhân, đối tượng, tuyến, địa bàn, địa bàn giáp ranh trong khu đô thị, khung thời gian thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đạt hiệu quả. Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền về tác hại của việc uống bia, rượu rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.