Quyết liệt thực hiện phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật

NDO -

NDĐT- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá, năm 2019, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ năm 2019.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực

Sáng 4-11, thực hiện chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ (từ ngày 1-10-2018 đến ngày 30-9-2019).

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an trình bày báo cáo nêu rõ, năm 2019, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn... Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Trong đó, đã tham mưu với Bộ Chính trị chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; tập trung xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành, UBND các địa phương đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, công điện chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những vấn đề phức tạp, vụ án, vụ việc nổi cộm góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự.

Nhờ đó đã đạt được một số kết quả nổi bật, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78% (cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%); về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực; qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.

Quyết liệt thực hiện phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ảnh 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 4-11.

Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm.

Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả rõ nét, trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn. Phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là các giải pháp phòng chống oan, sai, bức cung, nhục hình; công tác xử lý vi phạm hành chính cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với năm 2018...

Năm 2020 xác định mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019

Mặt khác, Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong các mặt như: công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác điều tra xử lý tội phạm.

Cụ thể, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn kẽ hở cho tội phạm, vi phạm pháp luật.

Công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra (đạt 87,4% so với 90% Quốc hội giao); một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp; việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe; còn xảy ra một số vi phạm trong hoạt động điều tra.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...

Quyết liệt thực hiện phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ảnh 2

Toàn cảnh phiên làm việc sáng ngày 4-11 của Quốc hội.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Năm 2020, trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng, để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã đề ra chín nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Chính phủ xác định đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân không làm phát sinh tội phạm.