Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời điểm bắt đầu thời kỳ cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 giai đoạn 2; số ca nhiễm, người tử vong, địa phương có ca nhiễm đang tăng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe các dự báo từ Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, từ đó đưa ra giải pháp tốt hơn nữa, yêu cầu tốt hơn để phục vụ PCD kịp thời hơn nữa; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, vật lực để PCD tốt nhất, nhất là những trung tâm dịch được xác định là Đà Nẵng, tiếp theo là Quảng Nam.
Vấn đề quan trọng là làm sao máy móc, thiết bị, sinh phẩm chống dịch không được thiếu thốn; nguồn nhân lực, nhất là các chiến sĩ áo trắng có thể có mặt kịp thời hơn, tập trung hơn.
Chúng ta cần thảo luận để những thiết bị hay phương tiện nào phổ cập hơn đến với người dân, để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp PCD, ứng dụng những công nghệ phổ cập để đạt hiệu quả cao hơn. Một tinh thần quyết liệt, không chủ quan, lơ là. Địa phương, ngành nào lơ là, không thực hiện quyết liệt các chỉ đạo sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCD.
Thủ tướng cũng đặt yêu cầu, Thường trực Chính phủ muốn nghe phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn nhất, tốt nhất, bảo đảm không lây nhiễm đối với thí sinh, người nhà, giáo viên. Kỳ thi đã cận kề, công tác tổ chức đã được thực hiện nhiều khâu. Vai trò của các địa phương, trách nhiệm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế trong công tác này là hết sức quan trọng.
Tuần cao điểm được xác định là những ngày tới, do đó chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giảm thiểu số người tử vong. Chưa bao giờ, ngành y tế đứng trước thử thách to lớn như thế này, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là địa bàn quá đông dân cư, cho nên phải đặt ra những phương án, có giải pháp mạnh trong PCD.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hết sức phức tạp, cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm của làn sóng mới.
Thủ tướng hoan nghênh Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19, ngành y tế, các địa phương đã tích cực chỉ đạo công tác PCD; đặc biệt hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương ở phía bắc, phía nam đã hỗ trợ tích cực cho các tâm dịch, nhất là ở Đà Nẵng, Quảng Nam với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất lớn. Nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ, đóng góp công sức, máy thở, phương tiện y tế, tiền của cho công cuộc PCD. Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa, nỗ lực cả hệ thống chính trị ít nhất trong hai tuần tới ở các địa bàn trọng điểm, đặc biệt ở các địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương nhạy cảm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, các địa phương cho thấy, chúng ta phải truy vết, xét nghiệm ngay, cách ly tập trung, dập dịch kiên quyết, điều trị tích cực; quản lý, khai báo cách ly những người từ Đà Nẵng về một cách phù hợp. Chúng ta kiên trì giãn cách xã hội ở những ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời; không thực hiện đồng loạt giãn cách xã hội ở những địa phương, vùng chưa có dịch để bảo đảm hoạt động tối thiểu cần thiết, không đứt gãy nền kinh tế.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình có giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, huy động tổng lực, nhuần huyễn giữa các lực lượng; quyết tâm, kiểm soát, kiềm chế tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất; yêu cầu các cơ sở y tế dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế có biện pháp, không được chủ quan, không để lây nhiễm ở bệnh viện, bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế không bị lây nhiễm.
Khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ở những nơi được coi là ổ dịch; xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan, xét nghiệm RT-PCR nhanh hơn nữa, truy quét nhanh hơn nữa, chăm sóc y tế cho các đối tượng có nguy cơ cao. Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này, chống lãng phí. Yêu cầu Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, chuyên môn cho các địa phương. Tinh thần bảo đảm đủ vật tư, thiết bị y tế cho các địa phương có dịch, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, bảo đảm không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế; giải quyết nhanh mua sắm vật tư y tế mà không vướng vào tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, yêu cầu không vì cơ chế mà để chậm, không được nói là thiếu tiền; thiếu tiền phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo T.Ư để xử lý; vận dụng đúng tinh thần “bốn tại chỗ”, điều 22 Luật Đấu thầu. Thành lập tổ công tác cùng xem xét, xử lý chặt chẽ vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng thiếu vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Các cơ sở y tế phải đáp ứng yêu cầu xét nghiệm nhanh nhất, tốt nhất.
Thực hiện kiểm soát, khai báo y tế chặt chẽ tại các bệnh viện, các khu công nghiệp, phải có biện pháp giãn cách, đeo khẩu trang. Thủ tướng khẳng định đeo khẩu trang là yêu cầu hiện nay, trước hết là nơi công cộng, thành phố lớn, những nơi có dịch; các địa phương phải vận động, cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp để người dân, nhất là những nơi đông người.
Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi đông người. Tăng cường sản xuất máy thở, khẩu trang y tế cho các tỉnh, thành phố trọng điểm. Bộ Y tế phải chỉ đạo vấn đề này phù hợp để hỗ trợ Ban Chỉ đạo. Sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến ở những địa phương cần thiết như Đà Nẵng, Quảng Nam, các thành phố đông người có thể lây nhiễm.
Để nhanh chóng truy vết, ngăn chặn dịch lây lan, Thủ tướng đề nghị mọi người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone càng sớm càng tốt. Liên tục truyền thông nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, luôn cảnh giác dịch bệnh, nhận thức rõ nguy hiểm chủa chủng virus, nâng cao ý thức dự phòng. Truyền thông phải phát đi nhiều hơn các biện pháp dự phòng từ xử lý khi có dịch, từ tin nhắn đến loa phường, các phương tiện từ T.Ư đến địa phương, tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp PCD.
Thủ tướng hoan nghênh Quảng Nam và các địa phương thành lập các tổ cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động dân PCD hiệu quả hơn.
Chiến lược PCD hiệu quả và bền vững phải dựa trên việc duy trì liên tục các hoạt động kinh tế, nhưng phải chú ý phòng dịch chặt chẽ; không vì kinh tế mà ảnh hưởng PCD; phải chú ý phòng dịch chặt chẽ, không “ngăn sông, cấm chợ”. Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế của các cơ sở y tế để khi có ca nhiễm có thể xử lý kịp thời. Toàn ngành y tế tiếp tục báo động đỏ để nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng khả năng chuyên môn có thể. Cả nước sẵn sàng và dư dả dự trữ phục vụ, nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... xem xét tính toán dự trữ, cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng dịch kéo dài hơn dự kiến, phục vụ mọi nhu cầu khi giãn cách xã hội. Trong khám điều trị, chữa bệnh phải có biện pháp giảm nguy cơ cho người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh nặng, mãn tính, để giảm tử vong. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ diễn biến dịch quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, hạn chế tối đa tác động tiêu cực hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, không để đình trệ công việc, các dịch vụ công phục vụ ngươi dân và doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu, tăng cường trực tuyến giải quyết công việc; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong PCD, đặc biệt là xử lý nghiêm các cấp trong việc chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng PCD. Các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế, công an, quân đội, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát biện pháp PCD trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc không chấp hành.
Yêu cầu ngành giáo dục và tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chủ động các biện pháp PCD trên tinh thần bảo đảm an toàn thí sinh, thầy cô giáo; an toàn mới tổ chức thi. Xử lý nghiêm minh các nhóm đối tượng làm giả vật tư y tế, khẩu trang... Thủ tướng yêu cầu các địa phương cả nước, ngành liên quan trước hết là ngành y tế, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị không chủ quan, thực hiện các biện pháp chủ động trong PCD, bảo đảm các hoạt động bình thường, không bị đứt gãy.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc dịch bệnh Covid-19 chuyển sang thời kỳ mới, vấn đề bản lĩnh, nghị lực, trình độ tổ chức thực hiện của chúng ta lúc này đòi hỏi quyết liệt hơn, bình tĩnh hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
* Tại cuộc họp, Bộ Y tế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương, tăng tốc hơn nữa thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe. Đẩy mạnh việc mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng, thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện việc thanh toán BHYT cho xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng dịch; tập huấn cho cán bộ y tế; chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm để thực hiện tốt công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp phát hiện ca bệnh trên địa bàn.
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị bảo đảm cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tăng cường công tác quản lý nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, phân luồng, phân tuyến, bảo đảm người đến khám và nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; không để xảy ra lây nhiễm tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính; thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chuẩn bị nhân lực y tế bảo đảm đầy đủ cho công tác PCD bao gồm cả việc huy động sinh viên các Trường đại học Y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu và phối hợp hỗ trợ nhân lực giữa các tuyên, các địa phương...
Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, giao trách nhiệm phụ trách các hộ dân trên địa bàn. Giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp PCD tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ PCD dựa vào cộng đồng; phối hợp các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chính quyền địa phương phối hợp y tế cơ sở lập danh sách theo dõi, quản lý sức khoẻ các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, người yếu thế.
Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm… để PCD là rất cấp bách. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị có tâm lý e ngại, chưa thực hiện đầy đủ việc mua sắm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị:
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động quyết định theo thẩm quyền các hình thức mua sắm phù hợp nhằm đáp ứng nhanh nhất có thể hàng hóa phục vụ PCD tại địa phương, trong đó có chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh qua mạng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm… Về xây dựng giá gói thầu, đề nghị tham khảo kết quả đấu thầu đã đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế để khẩn trương thực hiện mua sắm.
Về việc tổ chức mua sắm đối với một số hàng hóa PCD, nếu thực hiện theo các hình thức lựa chọn nhà thầu hiện hành là chưa phù hợp, không đáp ứng tính cấp bách của công tác PCD. Bộ Y tế xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh/chào hàng cạnh tranh qua mạng không quy định hạn mức, yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu...). Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Về xuất cấp hàng hóa, Bộ Y tế đề nghị được chủ động xuất cấp một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm... (nguồn mua dự phòng, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu. Các thủ tục điều chuyển tài sản theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được thực hiện sau.