Quyết liệt hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế

NDO -

Trong phiên làm việc chiều 20-10, Quốc hội đã nghe các báo cáo kết quả thực hiện, báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm một số nhiệm vụ còn tồn đọng, giải phóng tiềm lực kinh tế của đất nước. 

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày hôm nay 20-10. (Ảnh do Trung tâm báo chí Quốc hội cung cấp)
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày hôm nay 20-10. (Ảnh do Trung tâm báo chí Quốc hội cung cấp)

Nhiều bước tiến thực chất

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội (QH) về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: đến năm 2020, dự kiến 15/22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành. Trong đó, năm mục tiêu quan trọng đã vượt xa kế hoạch đề ra, góp phần tạo bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, công tác cơ cấu lại đầu tư công đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội xuống mức phù hợp, tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước từ 38,9% năm 2016 lên 46% năm 2019; cải thiện dần hiệu quả đầu tư với chỉ số ICOR ước khoảng 6,1 giai đoạn 2016-2020 so với 6,3 giai đoạn 2011-2015. 

Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh và thực chất hơn. Tổng giá trị vốn chủ sở hữu Nhà nước được bảo toàn và phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp Nhà nước có lãi tăng, một số doanh nghiệp Nhà nước yếu kém đã trở lại hoạt động. Các mục tiêu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã cơ bản hoàn thành. Tình trạng sở hữu, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng được xử lý một bước; tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng cơ bản được kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước đã đạt những thay đổi tích cực về quy mô, cơ cấu thu, chi ngân sách. Khu vực công tinh gọn hơn, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp. 

"Giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký. Xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 173-174 tỷ USD, tăng 74-79% so giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu thu hút FDI được điều chỉnh hợp lý hơn, với tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cũng trong giai đoạn này, nhóm nhiệm vụ về hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt nhiều kết quả đáng mừng.

Tích cực "giải phóng" nguồn lực kinh tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24 của QH về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nhận định: bên cạnh những mục tiêu đã đạt và vượt mức đề ra, thì việc 7/22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 có khả năng không hoàn thành sẽ làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển.  

Quyết liệt hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh. (Ảnh do Trung tâm báo chí Quốc hội cung cấp)

Trong đó, đáng chú ý có việc các mục tiêu thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cơ bản không đạt. Cụ thể, đến tháng 6-2020, mới chỉ hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa theo danh mục phê duyệt giai đoạn 2017-2020 và còn 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn. 

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp dù tăng nhanh nhưng vẫn thấp hơn gần 25% so với mục tiêu đề ra; cơ cấu, chất lượng khu vực doanh nghiệp chậm chuyển biến, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghiệp công nghệ cao, có tầm quốc tế; năng lực tài chính, trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI chưa cao.

Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh: trong giai đoạn 2021-2025, công tác cơ cấu lại nền kinh tế buộc phải được triển khai quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, “giải phóng” nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.

Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng hơn tới việc phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, kết hợp khai thác hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới toàn diện phương thức quản lý về kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, Chính phủ điện tử...

Quan trọng hơn, cần có lộ trình và giải pháp khả thi để hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ trọng tâm còn tồn đọng về cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong những năm đầu giai đoạn 2015-2020; phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút, sử dụng FDI có chất lượng, hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các ngành và địa bàn kinh tế ưu tiên.