Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Những tháng đầu năm 2024, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Do vậy, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tiến độ và bảo đảm đạt kế hoạch năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân thi công một hạng mục của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. (Ảnh Thế Anh)
Công nhân thi công một hạng mục của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. (Ảnh Thế Anh)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 78.746 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 3.169 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 75.577 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của thành phố trong hai tháng đầu năm 2024 đạt hơn 1.641 tỷ đồng, tăng gần 1.272 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến, đến hết tháng 3/2024, tổng số vốn giải ngân của thành phố là 5.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,02% tổng vốn Thủ tướng Chính phủ giao (79.263,776 tỷ đồng). So với quý I/2023 (giải ngân được 1.608 tỷ đồng, tỷ lệ tăng khoảng 2,3%) thì vốn đầu tư công giải ngân được trong quý I/2024 tăng hơn 3.958 tỷ đồng và tỷ lệ tăng gấp hơn 3 lần.

Số vốn đầu tư công giải ngân được đạt giá trị lớn là nhờ các nhà thầu nỗ lực triển khai thi công theo phương thức “3 ca, 4 kíp” nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong ba tháng đầu năm 2024 chưa đạt mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đề ra, là ít nhất 10%.

Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công, theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, việc quyết định đầu tư các dự án còn chậm do phụ thuộc công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Tiếp đó, công tác thẩm định dự án các dự án nhóm C theo ủy quyền tại Quyết định số 5070/QĐ-UBND (ngày 9/11/2023) của Ủy ban nhân dân thành phố còn chưa suôn sẻ, do liên quan thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các dự án được ủy quyền cho quận, thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công còn gặp không ít trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điều kiện thi công, đơn giá xây dựng…

Từ thực tế đó, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng: Các sở có chức năng liên quan ngành xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện trong việc thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo quy định để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Cùng với đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất về cập nhật giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công và máy thi công, điều chỉnh hợp đồng xây dựng (ký phụ lục) và có cơ chế thực hiện bảo đảm phù hợp, đúng quy định pháp luật để các nhà thầu có đủ cơ sở và nguồn lực để triển khai thi công theo phương thức “3 ca, 4 kíp”.

Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2024 đạt ít nhất 95%, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình hành động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó, đề cao trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án. Trước hết, các chủ đầu tư dự án cần tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng; giải quyết vướng mắc; tiếp tục tinh thần đợt thi đua cao điểm 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm.

Cùng với đó, chủ đầu tư dự án hoàn thiện kế hoạch giải ngân của từng dự án theo từng tuần, xây dựng chi tiết từng nhiệm vụ công việc cụ thể trong từng tuần, bảo đảm hoàn tất việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đúng theo nội dung đã cam kết. Đối với các dự án đã được quyết định đầu tư nhưng chưa thể triển khai hoặc đang triển khai nhưng vướng công tác giải phóng mặt bằng không thể thi công tiếp, chủ đầu tư dự án cần chủ động báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Trường hợp cần thiết, đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Chủ đầu tư dự án cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thi công công trình đúng tiến độ; thực hiện ngay các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án đủ điều kiện…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, xây dựng; bảo đảm chất lượng công tác thẩm định nội bộ; kiểm soát chặt chẽ hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án.

Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án phải giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình; kiên quyết có biện pháp chế tài theo quy định và hợp đồng xây dựng đã ký đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Xác định 48 công trình, dự án, đề án trọng điểm

Thực hiện kết luận của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã ban hành danh mục gồm 48 công trình, dự án, đề án trọng điểm trên địa bàn thành phố, 5 đề án và 3 đồ án quy hoạch dựa trên các tiêu chí đã được thống nhất. Trong đó gồm: 10 công trình, dự án do Sở Xây dựng thành phố quản lý; 25 công trình, dự án do Sở Giao thông vận tải thành phố quản lý; 3 công trình, dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố quản lý; 4 công trình, dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố quản lý; 3 công trình, dự án do Sở Y tế thành phố quản lý; 3 công trình, dự án do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố quản lý.