Quyết liệt đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Nhờ thuận lợi về mặt bằng cũng như biện pháp thi công hiệu quả, nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội đã bảo đảm tiến độ, gấp rút về đích trong năm 2022. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn những dự án đang triển khai rất chậm do nhiều vướng mắc, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân của nhà thầu CIENCO4 thi công ba ca liên tục các hạng mục nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Khuất Duy Tiến. (Ảnh: HUY HÙNG)
Công nhân của nhà thầu CIENCO4 thi công ba ca liên tục các hạng mục nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Khuất Duy Tiến. (Ảnh: HUY HÙNG)

Những ngày này, hơn 150 công nhân đang tập trung thi công ba ca liên tục trên công trường hầm chui Lê Văn Lương để bảo đảm tiến độ. Hiện ba đốt hầm kín có ký hiệu HK2, HK3, HK4 đã thi công xong và hoàn trả mặt bằng bên trên để tổ chức, phân luồng giao thông phục vụ việc đi lại của người dân. Đại diện nhà thầu thi công gói thầu hầm chính Cienco 4 cho biết, hiện các đơn vị đang tập trung hoàn thiện các hạng mục hầm hở và đường dẫn hai bên xuống hầm.

Còn nhiều khó khăn

Đánh giá về tình hình thi công, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, hiện dự án hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 đã thi công đạt hơn 70% khối lượng công trình, dự án đang bảo đảm tiến độ thông xe, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022). Sau khi hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương-Tố Hữu và ngược lại, thay vì tám làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến-Tố Hữu, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô.

Ba dự án trọng điểm khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư cũng đang bảo đảm tiến độ là cầu Vĩnh Tuy 2; đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng và cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch. Đến nay, cầu vượt chữ C đã cơ bản hoàn thành các hạng mục ngầm, bắt đầu thi công phía trên từ tháng 10/2022 và sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022. Còn với dự án đường Vành đai 2 trên cao và mở rộng mặt đường bên dưới, tháng 7/2022, dự án đã hợp long đường trên cao (cầu cạn) an toàn trong điều kiện vừa thi công bên trên, vừa bảo đảm giao thông bên dưới. Tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay, đưa vào sử dụng năm 2023 đang được bảo đảm, góp phần quan trọng giúp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 46% từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, không phải dự án nào của thành phố cũng thuận lợi, nhất là các dự án như đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội; cải tạo sông Tích; cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội. Trong đó, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.464 tỷ đồng, gồm hai hạng mục lớn: Xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút và đường giao thông hai bên bờ kênh. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức. Thực tế, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành từ năm 2018, nhưng chưa thể vận hành tối đa công suất do nhiều hạng mục còn lại dở dang.

Đòi hỏi trách nhiệm cao hơn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, kênh dẫn La Khê là hạng mục chính đi qua địa bàn hai xã của huyện Hoài Đức và sáu phường của quận Hà Đông. Đến thời điểm này, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Quận Hà Đông mới bàn giao được 162.797,9m2 trên tổng số 307.358,7m2, còn thiếu 144.560,8m2, liên quan đến 593 tổ chức, hộ gia đình. “Từ năm 2019 đến nay, dự án tại quận Hà Đông chưa được bàn giao thêm mặt bằng để thi công, trong khi đó, kênh La Khê là tuyến chính dẫn vào Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Để dự án hoàn thành trong năm 2022 đúng yêu cầu của thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị quận Hà Đông tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao nhà thầu tổ chức thi công...”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Thừa nhận tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm so với yêu cầu, lãnh đạo các phường: Quang Trung, La Khê, Yết Kiêu... cho biết, nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, chính sách về đất đai thay đổi liên tục. Nhiều hộ có công trình nhưng không phải là người địa phương nên mất rất nhiều thời gian xác định địa chỉ; nhiều trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân bị thu hồi đất chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng…

Với những vướng mắc của dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố, tại buổi kiểm tra thực tế mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo quận Hà Đông và các sở, ngành liên quan phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động, kết hợp với các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo đồng thuận trong nhân dân. Lưu ý chung đối với các dự án, công trình, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động rà soát, đánh giá lại tiến độ cụ thể của từng gói thầu, hạng mục, phần việc của các dự án, công trình; nhất là làm rõ từng khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương hướng, cách thức giải quyết gắn với trách nhiệm cá nhân phụ trách. “Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo sát sao từng dự án, thường xuyên giao ban kiểm đếm kết quả; yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để bóc tách, giải quyết dứt điểm từng khó khăn, vướng mắc. Mục tiêu là phải sớm đưa các công trình, dự án về đích, vận hành hiệu quả”, đồng chí nhấn mạnh.