Quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen

NDO -

Ngày 17-10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Bộ Công an tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN  và Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Công an đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, hạn chế tín dụng đen, phối hợp các tổ chính chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân.

Đồng thời, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động với bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phân công cụ thể, chi tiết các giải pháp, đơn vị đầu mối và lộ trình thực hiện. NHNN không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các TCTD đầy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến.

Hiện nay, NHNN đang đầu mối xây dựng Đề án Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; đề xuất triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money);

Trình Chính phủ xây dựng 01 Nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về phát triển hoạt động tài chính vi mô.

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức… 

Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

Đến 30-9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9-2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.

Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình tín dụng, cung cấp các dịch vụ ngân hàng để góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hòa Bình, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, ngành ngân hàng luôn quan tâm đến công tác xã hội.

Về định hướng chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Đặc biệt, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh các hình thức truyền thông cụ thể tới người dân; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những nguồn vốn hợp pháp, những sản phẩm cụ thể của hệ thống ngân hàng.

* Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và nhân dịp ngày 17-10 - Ngày Quốc tế xóa nghèo hằng năm, tại Hội nghị, ngành ngân hàng đã trao 300 suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi, mỗi huyện 150 suất quà.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao quà cảm ơn những hy sinh, đóng góp của các đồng chí công an huyện Lạc Thủy và huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.