Quyết định những vấn đề lớn từ thực tiễn, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương

NDO - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 vừa khai mạc sáng nay; nhiều đại biểu tỉnh, thành phố trình bày tham luận, tập trung nhấn mạnh nhiệm vụ giám sát được tăng cường cùng với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023. (Ảnh Duy Linh)
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023. (Ảnh Duy Linh)

Các đại biểu cũng cho rằng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử sẽ giúp giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đặt ra yêu cầu ngày càng thực chất hơn, trách nhiệm cao hơn gắn với thực hành dân chủ rộng rãi, thúc đẩy dân vận chính quyền, hướng mạnh về cơ sở...

Quyết định những vấn đề lớn từ thực tiễn, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh)

Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với sự tham dự của hơn 320 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tiếng nói đa dạng, vì nhân dân

Trong nội dung phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, HĐND tỉnh có nhiều đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương.

Quyết định những vấn đề lớn từ thực tiễn, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh)

Trong điều kiện một tỉnh cơ cấu xã hội biến đổi rất nhanh, nhất là gia tăng tầng lớp trung lưu, HĐND đã luôn thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp nhân dân và bản chất Nhà nước của dân, dân và vì dân; quyết định các vấn đề của địa phương ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm cao hơn, khó hơn trong điều kiện mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn mới lại xuất hiện, nhiều khi phức tạp hơn, khó giải quyết hơn.

Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đặt ra nhiều yêu cầu rất mới về quản trị địa phương khu vực đô thị gắn với đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hệ thống chính trị địa phương mà ở đó HĐND là một thiết chế cực kỳ quan trọng, phải tham dự tích cực vào các vấn đề hệ trọng, nhất là giữa bảo đảm tính thống nhất quản lý nhà nước với phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giữa phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng với người đứng đầu Hội đồng nhân dân khi một người đồng thời đảm nhiệm; giữa siết chặt kỷ cương, kỷ luật với khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Rõ ràng, Hội đồng nhân dân đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Theo báo cáo, nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của hội đồng nhân dân các cấp.

Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan dân cử

Trình bày tham luận tại hội nghị, cho biết thời gian qua, Thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng khẳng định vị trí vai trò quan trọng của cơ quan dân cử trong đời sống kinh tế chính trị xã hội của Thành phố, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập nêu rõ: Đổi mới phương thức hoạt động là một trong những yêu cầu được đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiều lần trước Quốc hội cũng như có những chỉ đạo rất cụ thể đối với hoạt động của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua, nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước.

Quyết định những vấn đề lớn từ thực tiễn, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương ảnh 3

Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập trình bày tham luận. (Ảnh: Duy Linh)

Ông cho biết, hoạt động của HĐND TP Hải Phòng có những bước chuyển động mạnh mẽ, với phương châm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, ban hành các nghị quyết được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, xóa bỏ tình trạng hình thức, xuôi chiều; nâng cao tính phản biện Thường trực HĐND, các cơ quan HĐND và các đại biểu HĐND.

Năm 2022, HĐND thành phố Hải Phòng tổ chức thành công 5 kỳ họp (trong đó, có 3 kỳ họp chuyên đề); đã ban hành 108 nghị quyết (bằng 212% trung bình năm nhiệm kỳ 2016-2021); trong đó, có nhiều nghị quyết mang tính đột phá, như: xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn thành phố; hỗ trợ công dân nhập ngũ; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng yếu thế; hỗ trợ thực hiện công tác dân số; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng nhà ở xã hội cho các hộ dân sinh sống tại các khu chung cư cũ...

Đặc biệt, ngay sau khi được Quốc hội quan tâm, ban hành Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng; HĐND thành phố đã cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chuyên đề để triển khai, kịp thời tháo gỡ những nút thắt phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thành phố. Công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố cũng có nhiều đổi mới.

Lãnh đạo HĐND TP Hải Phòng cùng cho rằng, việc lựa chọn vấn đề giám sát, địa bàn giám sát được thực chất và hiệu quả hơn.

“Nội dung giám sát được xác định căn cứ trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo của các Đoàn kiểm tra, thanh tra, những tồn tại mà các cấp có thẩm quyền đã chỉ ra chưa được khắc phục hoặc chậm khắc phục”, đại diện lãnh đạo HĐND TP Hải Phòng nhấn mạnh.

Điểm nhấn khác là HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Thường trực HĐND thành phố cũng là đơn vị tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của mình.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát

Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu trình bày, đã nhấn mạnh yêu cầu của đổi mới hoạt động giám sát và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát trong thời gian tới, theo hướng xây dựng và tổ chức kế hoạch giám sát bảo đảm khoa học, chất lượng và hiệu quả.

Quyết định những vấn đề lớn từ thực tiễn, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương ảnh 4

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh)

Trưởng ban Công tác đại biểu cũng nhấn mạnh nội dung tăng cường khảo sát thực tế kết hợp xem xét báo cáo, tạo chuyển biến tích cực sau giám sát; thực hiện các hoạt động giám sát lại khi xét thấy cần thiết.

Đồng chí nhấn mạnh việc đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, giới, ngành, kết hợp trực tuyến với trực tiếp, tăng thời gian, số lượng, mở rộng tiếp xúc cử tri đến từng xã, thôn, những nơi còn khó khăn, hạn chế việc tiếp xúc “đại cử tri”... đồng thời đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của HĐND cấp tỉnh, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông từ HĐND cấp tỉnh đến HĐND cấp huyện và cấp xã; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ các kỳ họp HĐND, của Thường trực HĐND và các ban HĐND cấp tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ nội hàm của chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan dân cử để đảm bảo sự thống nhất và cơ sở để triển khai thực hiện.

Giám sát là một trong 2 chức năng quan trọng nhất của HĐND các cấp.; do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu các phương án bổ sung biên chế hoặc có cơ chế cho phép các đoàn giám sát được thuê các chuyên gia, đơn vị tư vấn tham gia các đoàn giám sát để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát.

Việc thu hút cán bộ giỏi vào các cơ quan chuyên trách của HĐND các cấp còn nhiều khó khăn; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nghiên cứu ban hành các cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ (về điều kiện làm việc, khen thưởng, thu nhập, cơ hội phát triển…).

Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập