Vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á công diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam, nhằm mục đích quyên góp, hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lũ. Đây là hoạt động thực hiện theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền bắc chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 với tinh thần “san sẻ yêu thương, vượt qua bão lũ”.
TS, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, đây là vở diễn mới được dàn dựng của Nhà hát do Đoàn Cải lương truyền thống thực hiện, ca ngợi hình tượng vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vở diễn đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ các thế hệ con người Việt Nam, khẳng định truyền thống dân tộc ưu việt với đạo lý “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
TS, NSND Triệu Trung Kiên (bên phải). |
“Chúng tôi tin rằng thông điệp từ vở diễn rất phù hợp để chúng tôi thực hiện đêm diễn hòa chung cùng 12 chương trình nghệ thuật của các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “san sẻ yêu thương, vượt qua bão lũ”, nhằm vận động, quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc đang phải hứng chịu hậu quả của thiên tai, bão lũ” – TS, NSND Triệu Trung Kiên cho biết.
Vở “Mặt trời đêm thế kỷ” được dàn dựng trên kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, với sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam: Văn Thuận, Văn Tuấn, Trung Tuấn, Tuấn Thanh, Hồng Hạnh, Thiên Hoa, Vương Thủy…
Vở cải lương kể về câu chuyện Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ giai đoạn Bắc Bình Vương, đóng quân ở Phú Xuân (Huế), ca ngợi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời tái hiện những góc khuất trong cuộc đời ông.
Lấy bối cảnh khi Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương đóng quân ở Phú Xuân (Huế), vở cải lương không tập trung vào những chiến công hào hùng mà khai thác những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình và những quyết định đau lòng mà ông phải đưa ra để bảo vệ đất nước. Sự xung đột giữa ba anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt khi Nguyễn Huệ buộc phải xử tử cháu rể Vũ Văn Nhậm, đã được khắc họa sâu sắc, thể hiện sự giằng xé nội tâm của người anh hùng trước vận mệnh quốc gia.
Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã rất tinh tế khi kết hợp nghệ thuật cải lương với những yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng đất võ Bình Định như tiếng kèn tuồng, bài chòi.
Nghệ sĩ Hồng Hạnh (trong vai công chúa Ngọc Hân) cho biết: “Chúng tôi rất mong có những đêm diễn thiện nguyện như đêm nay để ủng hộ, chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn”.
NSND Lê Chức - Nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Với tinh thần người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, không để cho ai thiếu đói, không để cho ai không có nhà ở và đặc biệt quan tâm đến người già và trẻ em, chúng ta ở đây để sẻ chia cho đồng bào ruột thịt của chúng ta. Có một hình ảnh đó là: “Lũ có thể dìm xuống một làng bản nhưng chính lũ lại làm tôn lên sự cao đẹp của con người Việt Nam”. Điều đáng quý nhất là trong hoạn nạn, chúng ta luôn đứng bên nhau”.
Nhà hát Cải lương Việt Nam và Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á đã dành số tiền thu được sau đêm diễn và số tiền quyên góp với tổng giá trị là 77,2 triệu đồng để ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ.