Vừa qua, Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM) công bố báo cáo “Bùng nổ và thoái trào: Giám sát các nhà máy điện than trên toàn cầu năm 2023” với một số đánh giá tích cực về tình hình cắt giảm điện than tại Việt Nam. Cụ thể, báo cáo của GEM nhận định: “Trong hai năm qua, các dự thảo của Kế hoạch Phát triển Điện VIII (PDP8) mới của quốc gia đã cắt giảm ngày một nhiều điện than hơn, thường chuyển đổi các dự án điện than sang khí đốt và bổ sung thêm nhiều năng lượng tái tạo”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra khó khăn khách quan của Việt Nam trên tiến trình thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Đó là “Điện than vẫn là trung tâm sinh kế của nhiều cư dân trong nước, với gần hai chục mỏ đang hoạt động. Nếu Việt Nam thành công loại bỏ dần việc sản xuất và khai thác nhiệt điện than trong dài hạn, thì quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng phải cân nhắc đến nhóm cư dân này”.
Song, điều khó hiểu là trong phần đề xuất của mình GEM cho rằng “Một quá trình chuyển đổi (điện than sang năng lượng sạch) công bằng đòi hỏi sự tham gia đích thực, trả tự do cho các tù nhân chính trị (nguyên văn: Political Prisoners) và phục hồi công lý”. Trước hết, cần phải khẳng định rằng ở Việt Nam hoàn thoàn không có cái gọi là “tù nhân chính trị” hay “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. Những tên gọi nêu trên về bản chất là sự đánh tráo khái niệm nhằm hậu thuẫn, cổ súy cho những kẻ bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù vì vi phạm pháp luật thành đối tượng liên quan đến vấn đề công lý và môi trường.
Như vậy có thể thấy rằng việc GEM đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật, bất kể họ là những thành phần xâm hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của một đất nước là hết sức vô lý. Trước đó, một tờ báo mang khuynh hướng chống cộng là BBC Tiếng Việt, ngày 10/4, bài viết “Năng lượng VN2023: Điện than đang thoái trào hay bùng nổ”, cũng đề cập đích danh trường hợp Ngụy Thị Khanh, người mà theo tờ báo này “đang chịu án tù nhiều năm” vì “nhiều lần lên tiếng về việc loại bỏ than để ưu tiên năng lượng sạch”. Tuy nhiên, phóng viên của BBC đã cố tình không hề nhắc tới một sự thật rằng Ngụy Thị Khanh là Giám đốc GREEN IN và Giám đốc Trung tâm GreenID, nhưng vì động cơ tư lợi, đã không thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật, với số tiền trốn thuế lên đến 456 triệu đồng.
Vì lý do này, ngày 9/2/2022, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ngụy Thị Khanh về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Khanh đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình là đúng tội, không oan. Ghi nhận bị cáo thành khẩn khai báo và có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng, Tòa đã tuyên phạt Ngụy Thị Khanh 21 tháng tù về tội danh trên (giảm 3 tháng so với bản án sơ thẩm). Việc cố tình biến một đối tượng vi phạm pháp luật thành công dân dũng cảm đấu tranh cho môi trường và quyền con người nhằm đánh lừa dư luận là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, cần được tỉnh táo nhận diện và nâng cao cảnh giác.
Chưa kể, một số báo chí tiếng Việt ở nước ngoài cùng một vài tổ chức phi chính phủ, gần đây là GEM, vẫn cố tình lợi dụng các phiên tòa xét xử đối tượng trốn thuế để xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam “vi phạm nhân quyền”. Điều này cho thấy bản chất của các tổ chức và tờ báo này chỉ là nhân danh bảo vệ quyền con người về môi trường để can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam nhằm thực hiện các ý đồ không trong sáng.
Tương tự, nhiều vụ việc cũng đã từng diễn ra, có thể kể đến như vụ việc liên quan đến Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa. Đây đều là những trường hợp các cơ quan chức năng trong nước đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm của đơn vị chủ đầu tư và hành động quá khích của một số đối tượng chống đối.
Thông tin về các vụ việc đều được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông. Song các cá nhân, tổ chức phản động, thiếu thiện chí vẫn ra sức phủ nhận những bằng chứng cụ thể, xác thực, thậm chí một số hội, nhóm quốc tế còn tìm cách móc nối với các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ trong nước để tung ra một lượng lớn bài viết, báo cáo sai sự thật về tình hình môi trường tại Việt Nam.
Từ đó, các đối tượng cố tình lèo lái dư luận theo hướng suy diễn, “chính trị hóa” nhiều vụ án, kích động, gây hoang mang tâm lý, làm mất niềm tin trong một bộ phận nhân dân đối với chính quyền, kích động các hành vi chống phá, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Từ góc độ quốc tế, quyền con người về môi trường và tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường là một vấn đề khá mới mẻ. Ngày 16/6/1972, Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường mới chính thức ra tuyên bố Stockholm ghi nhận nỗ lực toàn cầu đầu tiên, coi môi trường là vấn đề chính sách toàn thế giới và xác định các nguyên tắc cốt lõi để quản lý.
Ngay sau khi gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam đã xác định bảo vệ môi trường và quyền con người về môi trường là vấn đề quan trọng, cần được ưu tiên. Hiến pháp 1980 đã quy định “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống” (Điều 36).
Hiến pháp 1992 làm rõ hơn vấn đề này khi nhấn mạnh “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường” (Điều 29). Hiến pháp 2013 chính thức coi quyền con người về môi trường là một quyền cơ bản, được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm khi tuyên bố: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43).
Trên tinh thần khẳng định quyền con người về môi trường của các bản hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường được bổ sung, hoàn thiện trong mục tiêu chung hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng và con người trở thành trung tâm trong việc ban hành các chính sách, pháp luật. Cho đến nay quyền con người về môi trường được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Luật Điện lực sửa đổi 2012, Luật Thủy sản 2017, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đo đạc và bản đồ 2018, Luật Bảo vệ môi trường 2020...
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động và sáng kiến thiết thực, thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đó được minh chứng qua các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam như đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Từ những cam kết ấy, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 song song với việc đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngày 23/3, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và thí điểm mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam (DPPA). Việc quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ này đang từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Từ nhiều nguyên nhân khách quan, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, vì vậy áp lực phát triển kinh tế đã tạo ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường và tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường. Vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật; cố tình trốn tránh trách nhiệm xử lý nước thải, rác thải; bất hợp tác với các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường... Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp. Dẫu vậy, nhìn vào bức tranh tổng thể, từ những kết quả đã đạt được có thể khẳng định Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.