Sản xuất tiêu dùng

Quy về một mối ngành dọc

Mới đây, lực lượng công an phối hợp lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội bắt quả tang vụ vận chuyển 8 tấn bao bì nghi làm giả các nhãn hiệu mì chính, bột ngọt, gia vị, xà phòng... tại xã Yên Viên, Gia Lâm. Vụ việc đang được lực lượng QLTT Hà Nội hoàn tất hồ sơ để xử lý. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành hải quan phụ trách chống buôn lậu, trong vụ này, cần phải mở rộng điều tra xem nguồn gốc, địa chỉ tiêu thụ của lô hàng bao bì này.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, địa phương, nhất là sự chỉ đạo thống nhất từ Cục QLTT đến Chi cục QLTT các địa phương trong điều tra, bởi số bao bì này nếu được đóng gói thì số lượng hàng giả sẽ lớn... khủng khiếp. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, do không thống nhất về tổ chức cho nên ở nhiều địa phương, nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) đã được QLTT phát hiện nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, nơi nào xử thì chỉ biết nơi đó, ít liên thông với các địa phương khác; mỗi nơi xử một kiểu, "bắt cóc bỏ đĩa", ít mang tính răn đe; thậm chí có vụ việc "chìm xuồng".

Ðây chỉ là một trong những thí dụ điển hình về tình trạng phân tán lực lượng, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, khiến tình trạng buôn lậu, GLTM, sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu sản xuất trong nước, sức khỏe người tiêu dùng, gây nhức nhối trong dư luận. Mặc dù, thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước đã nỗ lực vào cuộc, đạt nhiều kết quả tích cực trong việc đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra nhức nhối, không hề giảm sút.

Từ hàng chục năm nay, QLTT là lực lượng chuyên trách, được tổ chức từ cấp T.Ư đến cấp quận, huyện, thị xã, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. QLTT hoạt động theo cơ chế, Cục QLTT trực thuộc Bộ Công thương, trong khi các Chi cục QLTT các địa phương trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Chính vì thế, việc chỉ đạo, điều hành hoạt động QLTT từ trên xuống phụ thuộc lãnh đạo UBND các cấp thường mất thời gian, thiếu hiệu quả, trong khi, các ngành khác như thuế, hải quan... thống nhất quản lý "ngành dọc" từ trên xuống.

Trước thực trạng trên, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ sớm thống nhất quản lý ngành dọc, quy về một mối công tác QLTT, trong đó có việc thành lập Tổng cục QLTT để thống nhất từ T.Ư tới địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Các bộ, ngành khác trong thành phần Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đồng tình việc này. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, việc đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả là công tác lâu dài, kiên trì, liên tục, kiên quyết nhưng phải bảo đảm hiệu quả, có giải pháp đồng bộ, trong đó, vai trò tổ chức cán bộ, hoàn thiện cơ chế chính sách là nhân tố quyết định. Trước mắt, trong khi chưa hình thành Tổng cục QLTT cần khẩn trương có giải pháp thống nhất quản lý ngành dọc QLTT để tăng hiệu quả công tác này.

Có thể bạn quan tâm