Quỹ tổn thất và thiệt hại chính thức được khởi động: Bước tiến mạnh mẽ tại COP28

Ngay trong ngày họp đầu tiên, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt, khi Quỹ tổn thất và thiệt hại chính thức được khởi động, nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bước tiến mới tại COP28 mở ra hy vọng giải quyết bài toán tài chính-vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber phát biểu. (Ảnh: EPA/ Báo Công lý)
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber phát biểu. (Ảnh: EPA/ Báo Công lý)

Khẳng định việc khởi động Quỹ tổn thất và thiệt hại là bước tiến lịch sử, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber chia sẻ, đây là lần đầu một quyết định được thông qua ngay trong ngày đầu tiên kỳ họp của Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu.

Quỹ đã nhận được những cam kết tài chính đầu tiên, từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Nhật Bản, với số tiền hơn 420 triệu USD.

Quỹ là khoản ngân sách đầu tiên của Liên hợp quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Theo giới chức châu Âu, những khoản đóng góp đầu tiên dự kiến tài trợ cho các dự án thí điểm.

Quỹ là khoản ngân sách đầu tiên của Liên hợp quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi xây dựng quỹ khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đã được đưa ra cách đây hơn 30 năm, song phải đến COP27 năm 2022 ở Ai Cập, thỏa thuận về việc thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại mới được nhất trí.

Theo đó, các nước giàu, có lượng phát thải lớn phải bồi thường thiệt hại cho các nước đang phát triển phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong hơn một năm qua, các cuộc đàm phán triển khai quỹ đối mặt nhiều khó khăn do bất đồng giữa các nước liên quan cách thức thành lập, vận hành, nguồn vốn và điều kiện để được nhận hỗ trợ.

Vì vậy, việc các nước đạt nhất trí khởi động quỹ ngay trong ngày khai mạc COP28 được xem là dấu ấn thành công của hội nghị.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Quỹ tổn thất và thiệt hại là công cụ thiết yếu để mang lại công bằng trong vấn đề khí hậu cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới Ani Dasgupta cho rằng, Quỹ tổn thất và thiệt hại hỗ trợ người dân trong thời khắc đen tối nhất, giúp các gia đình xây dựng lại nhà cửa sau thảm họa, giúp nông dân khắc phục thất thu mùa màng và giúp những người phải vĩnh viễn rời bỏ nhà cửa do nước biển dâng cao ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, số tiền cam kết cho quỹ đến nay không thấm tháp gì so với con số mà các nước đang phát triển cần để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu. Chủ tịch Nhóm 46 quốc gia kém phát triển Madeleine Diouf Sarr nhấn mạnh, bước tiến mà COP28 đạt được là vô cùng quan trọng, song “một quỹ trống rỗng thì không thể giúp ích được gì”.

Liên hợp quốc ước tính cần tới 2.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để tài trợ cho việc giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Việc giúp các nước dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, nhiều nước có thái độ thận trọng về việc lập Quỹ tổn thất và thiệt hại vì cho rằng vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có cách thức bổ sung nguồn tài chính trong tương lai.

Theo chuyên gia thuộc Mạng lưới hành động vì khí hậu (có trụ sở ở Đức), việc không xác định quy mô và chu kỳ bổ sung ngân sách đặt ra câu hỏi về tính bền vững của quỹ.

Việc giúp các nước dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), hơn 60% số người được hỏi ở EU và Mỹ cho rằng, các quốc gia này nên tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khảo sát của EIB cho thấy sự đồng thuận cao của người dân trong vấn đề tài trợ cho nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh.

Sự đóng góp tài chính của các nước giàu có thể giúp cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại tăng tốc và sớm về đích. Mặc dù quá trình vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại dự kiến còn đối mặt nhiều khó khăn, song bước tiến mạnh mẽ tại COP28 là cơ sở quan trọng để các nước sớm tìm được lời giải cho bài toán hóc búa về tài chính khí hậu.