Quy hoạch xây hơn 330 km đường vành đai 5 Hà Nội

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, dài 335 km, quy mô 4 đến 6 làn xe, tổng mức đầu tư ước tính gần 85.600 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường bộ vòng tròn khép kín cho vùng Thủ đô, được nghiên cứu từ năm 2006, đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện của tám tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Ngoài các tuyến xây mới, một số đoạn của đường vành đai 5 sẽ trùng các tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai. Điểm nổi bật trên cung đường này là đoạn từ Vĩnh Phúc sang Thái Nguyên, đường vành đai 5 sẽ đi qua hầm đường bộ Tam Đảo. Bộ GTVT đề nghị, quá trình đầu tư đường vành đai 5 sẽ phân kỳ theo ba giai đoạn: trước năm 2020 cần gần 20 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2030 hơn 32 nghìn tỷ đồng, sau năm 2030 hơn 33.600 tỷ đồng.

Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt trên đảo Lý Sơn, với tổng mức đầu tư gần 22 tỷ đồng. Dự án triển khai từ cuối năm 2013 đến năm 2015. Hệ thống cấp nước sinh hoạt có công suất 1.000 m 3 /ngày đêm, bảo đảm nước sạch phục vụ cho hơn 21 nghìn dân trên đảo. Đến năm 2020, tỉnh sẽ nâng cấp hệ thống cấp nước sạch đủ phục vụ cho khoảng 6.000 người và các khu chức năng ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn.

Cả nước xuất khẩu hơn 5,7 triệu tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo cả nước đạt 5,733 triệu tấn, trị giá 2,466 tỷ USD, trị giá CIF (giá thành, bảo hiểm, cước phí) 2,553 tỷ USD. Trong đó riêng tháng 10 xuất khẩu hơn 537 nghìn tấn gạo, cao hơn tháng 9 là 10.505 tấn, song đơn giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 435,37 USD/tấn, thấp hơn mức giá bình quân của tháng 9 là 437,634 USD/tấn.

Xử lý, khắc phục việc sạt lở đất tại dự án thủy điện Đồng Nai 2

Ngày 4-11, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã chỉ đạo xử lý, khắc phục việc sạt lở đất tại khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 2 trên địa bàn xã Tân Thượng. Trước đó, 17 hộ dân ở thôn 2, xã Tân Thượng đã có đơn kiến nghị với xã và huyện, phản ánh việc sạt lở đất tại khu vực nhà ở của cán bộ, công nhân viên dự án thủy điện Đồng Nai 2, gây nhiều thiệt hại tài sản và cây trồng.

Ngày 21-9, sau khi thủy điện Đồng Nai 2 tích nước, trên địa bàn một số thôn của xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, cách khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2 vài trăm mét cũng đã xảy ra nhiều vụ nứt đất, sạt lở, làm gần 30 căn nhà bị sập đổ, nứt, lún với tổng thiệt hại hơn hai tỷ đồng.