Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050

NDO - Sáng 5/3, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 1.236km2, gồm 2 thành phố và 7 huyện. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Quy hoạch xác định 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam; hành lang phát triển du lịch-đô thị nghỉ dưỡng phía bắc; hành lang phát triển ven sông phía tây. Trục động lực phát triển bắc-nam là trục liên kết Tam Đảo-Vĩnh Yên-Yên Lạc tới Hà Nội, liên kết cảnh quan, thể hiện sự đa dạng về địa hình và cảnh quan của tỉnh.

Vĩnh Phúc xác định 3 cực tăng trưởng chính gồm: thành phố Vĩnh Yên - trung tâm phát triển kinh tế, đô thị, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và vùng; thành phố Phúc Yên - tăng trưởng phía đông nam, phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch; Bình Xuyên - tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%, bao gồm: 2 đô thị loại II là thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên; 5 đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, trong đó Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên được thành lập đơn vị hành chính đô thị là thị xã; 19 đô thị loại V, huyện Lập Thạch có 14 đô thị, huyện Sông Lô có 5 đô thị.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện khát vọng của nhân dân Vĩnh Phúc về thịnh vượng, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.

Vĩnh Phúc cần công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá để xúc tiến thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch, các nhà đầu tư tiếp cận và tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch không gian thông qua các chương trình, dự án được phê duyệt.